Gói thầu cuối cùng trị giá hơn 400 tỷ đồng dự án tăng cường kết nối giao thông miền núi phía Bắc dự kiến khởi công vào giữa tháng 8/2023.
Thông tin với PV Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA 2 cho biết, dự kiến ngày 15/8 tới đây, gói thầu XL7 - gói thầu cuối cùng trong 11 gói thầu xây lắp thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ được khởi công.
Cùng với yêu cầu sớm khởi công gói thầu cuối cùng, Bộ GTVT cũng yêu cầu chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu tăng cường mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu xây lắp đang triển khai - Ảnh minh hoạ.
“Ngày 1/8/2023, hợp đồng xây dựng đã được đơn vị QLDA ký kết với liên danh nhà thầu: Công ty TNHH xây dựng Hoàn Hảo - Công ty xây dựng 1-5 và đang chờ ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ (ADB) để đáp ứng điều kiện thủ tục khởi công”, đại diện Ban QLDA 2 nói và cho biết, theo phương án được duyệt, gói thầu XL7 có chiều dài hơn 7km đi qua địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Gói thầu có giá trị 418 tỷ đồng. Thời gian thi công 22 tháng.
Trước đó, cuối tháng 7/2023, Bộ GTVT đã có văn bản đôn đốc tiến độ dự án tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.
Với vai trò là chủ đầu tư, Ban QLDA 2 được giao nhiệm vụ khẩn trương phối hợp các địa phương làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Bộ GTVT cũng yêu cầu đơn vị QLDA làm việc trực tiếp với Hội đồng GPMB của các địa phương để lên kế hoạch tiến độ thực hiện công tác GPMB cụ thể. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch vốn theo từng giai đoạn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư theo thẩm quyền.
Về công tác thi công, chủ đầu tư phải chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu tổ chức thi công cuốn chiếu, hoàn thiện dứt điểm theo từng hạng mục (nền, móng, mặt đường) đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Đặc biệt lưu ý giải pháp thi công phù hợp khi thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi.
“Đối với các gói thầu đang chậm tiến độ (XL1, XL5, XL9) và có nguy cơ chậm tiến độ trong thời gian tới như gói thầu XL10, nhà thầu cần tăng cường thiết bị, nguồn lực, tăng ca/kíp làm bù khối lượng đã bị chậm, điều chỉnh các mũi thi công cho phù hợp với mặt bằng đã được bàn giao.
Trường hợp, các gói thầu vẫn bị chậm tiến độ do yếu tố chủ quan của nhà thầu trong các tháng tiếp theo, chủ đầu tư phải có biện pháp xử lý tuân thủ quy định của hợp đồng đã ký”, Bộ GTVT chỉ đạo.
Quy mô của dự án gồm 2 tuyến gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.
Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.
Theo báo cáo, đến nay, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 20% giá trị hợp đồng."
Sưu tầm
Việc đầu tư QL28B sẽ giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng.
Cục Đường bộ VN vừa trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp QL28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, điểm đầu của dự án tại Km0+000, giao QL1A tại Km1656+900, thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Điểm cuối tại Km68+1000, giao QL20 tại Km185+690, thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 68km (không bao gồm đoạn Km6+870 - Km7+990 thuộc dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang đầu tư xây dựng).
Một đoạn QL28B qua Lâm Đồng (Ảnh internet)
Dự án được đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đối với 10 cầu hiện hữu trên tuyến sẽ được sửa chữa, thay thế các hư hỏng (mặt cầu, khe co giãn, lan can, gối cầu), tăng cường dầm chủ và mở rộng mặt cầu phù hợp với chiều rộng nền đường.
Tổng mức đầu tư của dự án 1.435 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí gần 1.300 tỷ đồng (chi phí bồi thường GPMB hơn 98 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 1.100 tỷ đồng, chi phí khác 32 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 135 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2023 - 2026.
Cục Đường bộ VN cho biết, QL28B là tuyến đường đối ngoại quan trọng của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng. Đây cũng là trục giao thông theo hướng Đông - Tây ngắn nhất kết nối tuyến QL1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, QL20, phát triển kết nối giữa các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cảng tổng hợp quốc tế Vĩnh Tân với các tỉnh Tây Nguyên, vùng kinh tế Đông Bắc Campuchia.
QL28B cũng là trục giao thông trọng yếu để phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng, giúp các tỉnh trong khu vực phát huy hết tiềm năng, lợi thế hiện có, đặc biệt phát triển tam giác du lịch Đà Lạt - Phan Thiết - TP.HCM.
"Tuyến đường được đầu tư xây dựng giúp giảm chi phí hàng hóa, phát triển sản xuất, tiêu dùng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời tăng năng lực vận chuyển alumin, than đá và các vật tư thiết yếu thông qua Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Việc đầu tư QL28B sẽ giúp phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, giảm áp lực giao thông cho tuyến QL20, rút ngắn cự ly lưu thông giữa Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ", Cục Đường bộ VN cho hay.
Sưu tầm
Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, dự kiến khởi công xây dựng vào quý IV/2023.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An trả lời kiến nghị cử tri tỉnh này về việc đẩy nhanh thi công tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa) để phát triển kinh tế địa phương và tạo liên kết vùng.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang gấp rút triển khai các thủ tục tiếp theo để khởi công xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa vào quý IV/2023 (Ảnh minh họa).
Theo Bộ GTVT, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2017, khởi công xây dựng từ năm 2009, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, dự án phải dừng thi công.
Nhằm tiếp tục thi công hoàn thành toàn tuyến và kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 63/2022, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa và giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư dự án.
"Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang gấp rút triển khai các thủ tục tiếp theo để khởi công xây dựng vào quý IV/2023, hoàn thành dự án trong năm 2025", Bộ GTVT cho biết.
Theo đó, dự án có mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe, góp phần chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam Bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài toàn tuyến khoảng 73km, có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thô, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (giáp huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) và điểm cuối giao với tuyến quốc lộ N2, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương đường cấp III đồng bằng, tiêu chuẩn hình học phù hợp đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h.
Sưu tầm
Trải qua 7 tháng thi công, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau có sự cải thiện rõ rệt về khối lượng thi công và huy động nguồn lực.
Đẩy mạnh năng suất thi công
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tính từ thời điểm khởi công đến nay, sản lượng thi công dự án đạt 773 tỷ đồng, đạt 6,5% giá trị các hợp đồng và đạt 58% so với kế hoạch nhà thầu đăng ký.
Các nhà thầu đang tích cực huy động nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh triển khai tuyến cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau trên diện tích mặt bằng đã được bàn giao - Ảnh minh hoạ.
Tổng giá trị giải ngân cho dự án đến hiện tại đạt gần 2.200 tỷ đồng (bằng 50% kế hoạch năm 2023). Trong đó, công tác giải ngân giải phóng mặt bằng đạt xấp xỉ 485 tỷ đồng; Giải ngân chi phí tư vấn đạt hơn 141 tỷ đồng; Công tác xây lắp giải ngân hơn 1.566 tỷ đồng.
“Khối lượng thực hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng, song, năng suất thi công trên hiện trường đã có sự cải thiện rõ rệt.
Nếu thời điểm bắt đầu triển khai dự án, trung bình mỗi tháng giá trị sản lượng thi công các gói thầu chỉ đạt 20 - 40 tỷ đồng/tháng thì hiện tại, con số trung bình một tháng đạt được khoảng 100 tỷ đồng, có thời điểm đạt ngưỡng 150 tỷ đồng/tháng.
Công tác huy động nguồn lực cũng được đẩy mạnh, tăng khoảng 30% so với đầu năm với 88 mũi thi công, gần 700 nhân lực, hơn 250 máy móc đã được đưa vào công trường, tập trung thi công những hạng mục: khoan/đóng cọc, móng mố trụ cầu (41/86 cầu đang triển khai); đào bóc hữu cơ tuyến chính và đắp nền cát, thi công đường công vụ, cầu tạm...”, ông Tuân thông tin.
Hai thách thức lớn
Theo lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, những tháng cuối năm 2023, dự án cần giải ngân thêm 2.184 tỷ đồng để hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao. Song, dự án vẫn đang gặp phải một số khó khăn lớn liên quan đến mặt bằng, vật liệu.
Cụ thể, với công tác GPMB, báo cáo cho thấy, hiện nay, diện tích mặt bằng được hơn 86km, đạt 96%. Trong đó, tuyến chính đã bàn giao hơn 72km (đạt 98%), tuyến nối được gần 14km (đạt 84%).
Thực tế mặt bằng có thể thi công được trên tuyến chính chỉ đạt gần 69km. Tuyến nối tổ chức thi công được trên khoảng 13,95km. Nhiều vị trí vướng hộ dân nằm xen kẹp sát cầu, đường lớn khiến nhà thầu không có điểm tiếp cận vào thi công hoặc việc triển khai các mũi thi công không được liên tục, phát sinh thời gian vận chuyển vật liệu do phải đi đường vòng.
“Đối với vật liệu cát đắp, đến ngày 27/7, UBND các tỉnh đã bố trí cung ứng cát cho dự án gần 1,5 triệu/18,5 triệu m3 (đạt 8%), không đáp ứng được yêu cầu tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ, sản lượng và giải ngân”, ông Lê Đức Tuân thông tin.
Đề cập đến giải pháp đẩy tiến độ dự án, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện đơn vị đã lập tổ/nhóm chuyên công tác GPMB để phối hợp với chính quyền giải quyết từng điểm, từng hộ dân, phân từng nhóm hộ dân cần ưu tiên để chủ động xử lý, phối hợp tổ chức di dời hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng sớm nhất.
Với vai trò chủ đầu tư, đơn vị QLDA đang tích cực làm việc liên tục với UBND các tỉnh để hỗ trợ các thủ tục như mở mỏ vật liệu cát đắp nền hoặc tăng công suất mỏ đang khai thác trên địa bàn tỉnh để có thêm nguồn vật liệu đáp ứng yêu cầu.
Cùng đó, Ban QLDA, tư vấn giám sát và nhà thầu cũng đã thực hiện cam kết ưu tiên thi công đường công vụ, thông cầu tạm để đẩy mạnh thi công các cầu trên tuyến, luỹ tiến khối lượng thi công và sản lượng giải ngân.
Giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe bề rộng nền 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h."
Sưu tầm
Công ty Cổ phần Nhựa đường Thiết bị Giao thông – tên giao dịch quốc tế : Bitumen Equipment Supply for Transportation (BEST). Được thành lập từ năm 2009, trải qua quá trình phát triển, BEST đã đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất và xây dựng chiến lược kinh doanh để trở thành một trong số các nhà cung ứng nhựa đường hàng đầu tại Việt Nam.