Vĩnh Long đầu tư hơn 206 tỷ nâng cấp đường tỉnh 910B. Ảnh minh họa
Theo đó, dự án có chiều dài 8,7km. Điểm đầu nối với đường gom dẫn vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc địa phận xã Thuận An, thị xã Bình Minh. Điểm cuối giao với đường tỉnh 908 thuộc xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân.
Đây là công trình nhóm B có diện tích sử dụng đất 172.800 m², trong đó diện tích cần thu hồi khoảng 24.200 m². Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.
Quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m, vận tốc thiết kế 60km/h. Trên tuyến có tám cầu, đều được mở rộng 8m, thay mới dầm bê tông cốt thép.
"Dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân, kết hợp đồng bộ với hạ tầng giao thông khu vực.
Từ đây, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương phát triển, tạo điều kiện nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương", đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Cũng theo quyết định, UBND tỉnh Vĩnh Long giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư dự án. Đồng thời giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
Sưu tầm
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Đồng Nai về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng).
Bộ GTVT và địa phương đang đẩy nhanh tiến độ các thủ tục để sớm đầu tư các đoạn tuyến thuộc trục cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo lộ trình được duyệt - Ảnh minh họa.
Theo Bộ GTVT, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài khoảng 220km.
Hiện nay, tuyến Dầu Giây - Liên Khương đang được nghiên cứu với chiều dài khoảng 201km, gồm các đoạn: Dầu Giây - Tân Phú dài 60km, Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km, Bảo Lộc - Liên Khương dài 74km; quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 20, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú, UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư 2 dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.
Đến nay, dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú và đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đoạn Bảo Lộc - Liên Khương cũng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư.
"Trên cơ sở phê duyệt của các cấp thẩm quyền, Bộ GTVT và UBND tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, đáp ứng tiến độ yêu cầu theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt", Bộ GTVT thông tin.
"Theo chủ trương được phê duyệt, đoạn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có tổng vốn đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Đoạn tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng vốn đầu tư khoảng 17.200 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án khoảng 6.500 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2026.
Đoạn tuyến Bảo Lộc - Liên Khương có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 19.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà nước tham gia khoảng hơn 7.700 tỷ đồng."
Sưu tầm
UBND tỉnh Cao Bằng vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Theo phương án được phê duyệt, tuyến cao tốc có tổng chiều dài hơn 93km đi qua địa bàn các huyện Văn Lãng, Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn; huyện Thạch An và Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Điểm đầu dự án (Km0+00) tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Điểm cuối dự án giai đoạn 1 tại Km93+350 điểm giao với QL.3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng.
Giai đoạn hoàn chỉnh, điểm cuối dự án tại Km121+060 ranh giới quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Về quy mô đầu tư, trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộn mặt đường 14m. Điểm vượt xe được bố trí không liên tục.
Các đoạn khó khăn được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 13,5m, bề rộng mặt đường 7m.
Trên tuyến cao tốc cũng được thiết hoàn chỉnh 2 hầm (mỗi hầm gồm 2 ống hầm) theo tiêu chuẩn, đảm bảo vận tốc thiết kế 80 km/h. Trong đó, hầm số 1 có chiều dài 220m/ống hầm.
Đối với hầm số 2, chiều dài nhánh phải là 495m, chiều dài nhánh trái là 462m.
Giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh), tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh sẽ được đầu tư tiếp khoảng gần 28km (từ Km93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km121+060) với bề rộng nền đường 17m và hoàn thiện quy mô cắt ngang với các đoạn tuyến có bề rộng nền đường 13,5m đã thực hiện trong giai đoạn 1.
Với phương án trên, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án khoảng hơn 14.300 tỷ đồng.
Trong đó, vốn do nhà đầu tư huy động (gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn huy động khác) khoảng hơn 7.750 tỷ đồng, chiếm hơn 54% tổng mức vốn đầu tư.
Vốn nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỷ đồng (gồm vốn hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm cho toàn bộ dự án), chiếm gần 46% tổng mức vốn đầu tư, gồm: vốn ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng; Ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng.
"Theo lộ trình đặt ra, công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được tiến hành từ quý 3/2023.
Dự án sẽ được hoàn thành năm 2025 và đưa và khai thác, vận hành từ năm 2026.
Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 25 năm 3 tháng."
Sưu tầm
Thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), theo kế hoạch các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký, tháng 9/2023, khối lượng giải ngân ở các dự án giao thông khoảng 7.439 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực của toàn ngành GTVT, 8 tháng đầu năm, kết quả giải ngân của Bộ GTVT vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước - Ảnh minh họa: Tạ Hải.
Trong đó, có 4 ban QLDA đăng ký kế hoạch giải ngân lớn, gồm: Ban QLDA 85 đăng ký hơn 1.400 tỷ đồng, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đăng ký xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, Ban QLDA7 đăng ký hơn 1.370 tỷ đồng; Ban QLDA Mỹ Thuận đăng ký 887 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo của đơn vị chuyên môn cho biết, đến hết tháng 8/2023, Bộ GTVT giải ngân khoảng hơn 49.700 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm.
Tiến độ giải ngân tính đến hết tháng 8 đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao gấp hơn 2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỷ lệ. Được biết, hết tháng 8/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 22.263 tỷ đồng, đạt khoảng 40% kế hoạch. Tiến độ giải ngân của Bộ tính đến thời điểm này duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Sưu tầm
Công ty Cổ phần Nhựa đường Thiết bị Giao thông – tên giao dịch quốc tế : Bitumen Equipment Supply for Transportation (BEST). Được thành lập từ năm 2009, trải qua quá trình phát triển, BEST đã đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất và xây dựng chiến lược kinh doanh để trở thành một trong số các nhà cung ứng nhựa đường hàng đầu tại Việt Nam.