Dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 dự kiến khởi công vào tháng 6/2023, tổng mức đầu tư hơn 3.241 tỷ đồng...
Việc ùn tắc tại nút giao Pháp Vân - Vành Đai 3 khiến cao tốc Pháp Vân thường xuyên ùn tắc kéo dài.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, cho biết dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3. Dự án có tổng mức đầu tư dự án hơn 3.241 tỷ đồng từ ngân sách TP. Hà Nội. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ nay đến năm 2025.
ĐẤU THẦU 3 GÓI THẦU XÂY LẮP CHÍNH
Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3 có chiều dài khoảng 3,4km (tính cả chiều dài các nút giao). Bề rộng mặt cắt ngang đường chính 60m, gồm 6 làn xe cơ giới 3,5m, 2 làn xe hỗn hợp tại 2 đường đô thị song hành 7m, dải phân cách giữa, phân cách bên, vỉa hè hai bên.
Dự án này được triển khai với mục tiêu hình thành tuyến đường theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm thành phố Hà Nội.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có tờ trình lên UBND Thành phố Hà Nội về việc đầu tư xây dựng đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 để giảm thiểu ùn tắc cho nút giao giữa hai tuyến đường này.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và cũng được Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành trung ương thẩm định, thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế kỹ thuật…
Tuyến đường được xây dựng để mở ra hướng kết nối thứ hai từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Vành đai 3, theo hướng đi cầu Thanh Trì, tránh nút giao giữa hai tuyến cao tốc tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô vốn đang chịu áp lực giao thông rất lớn.
HƠN 7.500 TỶ ĐỒNG CHO CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG, ĐIỀU CHUYỂN VỐN NẾU CHẬM TRIỂN KHAI
Được biết, năm 2023, Hà Nội triển khai 96 dự án giao thông với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.
Cũng trong năm nay, TP. Hà Nội triển khai 238 dự án đầu tư công hiện đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có 96 dự án với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.
Dù thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, luỹ kế tính hết quý 1/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch năm, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt kết quả cao nhất, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị xác định rõ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên tập trung chỉ đạo của các cấp, các ngành trong năm 2023. Kiên quyết không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được, có khối lượng được nghiệm thu nhưng chậm thanh toán.
Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu đơn vị phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Thực hiện cam kết với UBND TP. Hà Nội về giải ngân vốn đầu tư công, chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố Hà Nội nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết.
"Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì rà soát, tham mưu UBND TP. Hà Nội các nội dung trình HĐND TP. Hà Nội tại kỳ họp giữa năm 2023 về điều chuyển vốn từ các dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án chậm triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, không khắc phục được các vướng mắc sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025", UBND thành phố lưu ý.
Bên cạnh đó, có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân tại các cơ quan, đơn vị cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công;
Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Sưu tầm
Tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng hơn 5.700 tỷ đồng.
Ban QLDA 2 vừa trình Bộ GTVT Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn.
Sau khi dự án hoàn thành, tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn sẽ đảm bảo đồng bộ về quy mô, nối thông tuyến đường Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới - TP Bắc Kạn, góp phần tạo nên mạng lưới giao thông có tính kết nối vùng, thúc đẩy phát triển KT-XH. Ảnh minh họa
Theo phương án đề xuất, tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn có tổng chiều dài gần 29 km. Điểm đầu dự án tại Km0 (kết nối với Km38+600 tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới), xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới.
Điểm cuối dự án tại Km28+807 (giao với QL3B, kết nối với điểm đầu dự án đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể), TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Dự án sẽ được đầu tư với quy mô mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn thiện đường cao tốc, bề rộng nền đường 22m.
Trong đó, có 4 làn xe chạy (14m); dải dừng xe khẩn cấp hai bên (5m), dải phân cách giữa hai bên (0,5m), dải an toàn hai bên (1m) và lề trồng cỏ hai bên (1,5m).
Với phương án trên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 5.750 tỷ đồng.
Để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành dự án, dự án được kiến nghị được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Bộ GTVT.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, số vốn cần bố trí khoảng hơn 4.900 tỷ đồng (khoảng 85% tổng mức đầu tư). Phần còn lại khoảng 843 tỷ đồng (khoảng 15% tổng mức đầu tư) sẽ chuyển tiếp bố trí trong giai đoạn 2026 - 2030
Đối với công tác GPMB, dự án sẽ được GPMB theo quy mô đường cao tốc cấp 80, 4 làn xe và giao cho các địa phương, các cơ quan quản lý đường bộ quản lý hành lang an toàn đường bộ theo quy định hiện hành.
Tổng diện tích đất chiếm dụng phục vụ dự án khoảng hơn 266 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 791 hộ, số hộ tái định cư khoảng 71 hộ.
Theo lộ trình dự án, dự án sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB và tái định cư từ năm 2023 - 2024; Khởi công, thi công xây dựng công trình từ năm 2024 và hoàn thành năm 2026.
Sưu tầm
Một hạng mục thi công dang dở tại Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Bộ GTVT vừa có Thông báo số 99/TB – BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp báo cáo Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 12/2007 với quy mô đường cấp III 2 làn xe.
Dự án đã được khởi công và triển khai xây dựng từ năm 2009, tuy nhiên thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ dự án đã bị đình hoãn từ năm 2011.
Thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1032/QĐ-BGTVT ngày 28/7/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa với mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe.
Theo chủ trương đầu tư được duyệt, tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án trong năm 2023, hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vẫn chưa trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là chậm so với yêu cầu. Vì vậy, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phê bình Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chậm trễ trong việc triển khai Dự án.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo Tư vấn hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và các thủ tục khác có liên quan, đủ điều kiện phê duyệt Dự án trong quý II/2023, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đảm bảo khởi công Dự án trong năm 2023.
Lãnh đạo Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Tư vấn dự án chịu trách nhiệm rà soát, chịu trách nhiệm về khối lượng công việc đã thực hiện và hoàn tất các thủ tục có liên quan để quyết toán công trình theo quy định; nghiên cứu các vấn đề Kiểm toán nhà nước, Thanh tra đã nêu để có phương án khắc phục trong quá trình triển khai.
Hai đơn vị nói trên còn được giao khảo sát, đánh giá chi tiết khả năng sử dụng các hạng mục công trình đã thi công để tận dụng tối đa hoặc thiết kế tăng cường (nếu cần); nghiên cứu lựa chọn các giải pháp thiết kế trắc dọc, trắc ngang tuyến, nút giao, công trình cầu, cống, cầu vượt ngang, hầm chui dân sinh … cho phù hợp trong giai đoạn trước mắt, thuận lợi cho việc nâng cấp, mở rộng thành 6 làn xe theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu thiết kế, tận dụng tối đa các hạng mục công trình đã thi công và tiết kiệm chi phí.
Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Tư vấn dự án cũng sẽ phải làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, tư vấn của các dự án cao tốc giao cắt với dự án để thống nhất các nội dung liên quan (Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 4 TP.HCM, tuyến Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng…).
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 1032/QĐ - BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dư án đầu tư xây dưng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Dự án có mục tiêu là hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư tại đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, góp phần chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo Quyết định số 1032, Dự án có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thô thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (tiếp giáp với đoạn tuyến đã được đầu tư tại Quyết định 3950/QĐ-BGTVT ngày 17/12/2007 của Bộ GTVT); điểm cuối giao với Quốc lộ N2, thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 72,75 km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với Quốc lộ 22 đã được đầu tư) với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương đường cấp III đồng bằng, tiêu chuẩn hình học phù hợp đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tuyến có bề rộng nền đường 12,25 m, bề rộng mặt đường 11,25 m, lề đất 2 bên rộng 1 m; giữ nguyên theo hướng tuyến hiện hữu đang thi công dở dang, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo cấp đường.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 2.293 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 2.178 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 115 tỷ đồng.
Dự án sẽ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025. Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa chính thức triển khai thi công từ quý IV/2009, nhưng đến năm 2011, bị buộc phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Về tổng thể, Dự án mới hoàn thiện 10/83 km, 73 km còn lại mới xong nền đường, nên chưa thể đưa vào khai thác.
Sưu tầm
Công ty Cổ phần Nhựa đường Thiết bị Giao thông – tên giao dịch quốc tế : Bitumen Equipment Supply for Transportation (BEST). Được thành lập từ năm 2009, trải qua quá trình phát triển, BEST đã đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất và xây dựng chiến lược kinh doanh để trở thành một trong số các nhà cung ứng nhựa đường hàng đầu tại Việt Nam.