Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, triển khai đồng bộ dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh trong tháng 4/2023.
Đẩy nhanh lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công
Bộ GTVT vừa gửi văn bản yêu cầu Ban QLDA Thăng Long tăng cường quản lý chất lượng, tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng.
Bộ GTVT yêu cầu thi công đồng bộ trên toàn tuyến hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 qua tỉnh Hà Tĩnh ngay trong tháng 4/2023 - Ảnh minh họa
"Ban QLDA Thăng Long phải chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát, các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của dự án, thi công đồng bộ trên toàn tuyến từ tháng 4/2023", Bộ GTVT chỉ đạo.
Các nhà thầu cũng cần đẩy nhanh việc lập kế hoạch, tiến độ thi công chi tiết của các dự án. Trong đó, lưu ý làm rõ tiến độ triển khai các hạng mục (ngày bắt đầu, hoàn thành), xác định các hạng mục quyết định đến tiến độ, dự kiến sản lượng đạt được trong từng tháng (đáp ứng được kế hoạch giải ngân năm 2023), số lượng máy móc, thiết bị, nhân sự cần huy động.
Chủ đầu tư phê duyệt và báo cáo Bộ GTVT trong tháng 3/2023 làm cơ sở chỉ đạo điều hành..
Nhằm đáp ứng tiến độ dự án, Bộ GTVT đề nghị đơn vị QLDA chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành toàn bộ đường công vụ tại các phạm vi đã được bàn giao mặt bằng trong tháng 4/2023.
Ưu tiên triển khai một số hạng mục
Hàng loạt các hạng mục cần ưu tiên triển khai cũng được Bộ GTVT chỉ rõ. Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu ưu tiên triển khai ngay các hạng mục thuộc nút giao QL8A (thuộc Dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi);
Nghiên cứu triển khai sớm các công trình cầu, hầm chui dân sinh, cống thoát nước khẩu độ lớn, đặc biệt là các công trình cầu lớn trên tuyến như: cầu Đại Thanh, cầu Sơn Lộc, cầu Hàm Nghi, cầu Thạch Vĩnh (thuộc dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi) và các cầu Kẻ Gỗ, cầu Kỳ Tây (thuộc dự án Hàm Nghi - Vũng Áng).
“Đối với các đoạn tuyến nền đào và sử dụng vật liệu đào (đất, đá) điều phối dọc tuyến thuộc gói thầu 12XL dự án Hàm Nghi - Vũng Áng, nhà thầu khẩn trương huy động máy móc, thiết bị, nhân lực, triển khai các thủ tục cần thiết và đẩy nhanh tiến độ thi công đào đất, phá đá đảm bảo nguồn vật liệu điều phối trong gói thầu.
Với các phạm vi tuyến có xử lý đất yếu bằng phương pháp bấc thấm, giếng cát, gia tải chờ lún, khi có đủ điều kiện cần triển khai thi công ngay để có đủ thời gian chờ lún cố kết, giảm tối đa độ lún dư, tăng cường êm thuận trong quá trình khai thác”, Bộ GTVT chỉ đạo.
Riêng về vấn đề vật liệu, Bộ GTVT giao Ban QLDA Thăng Long quyết liệt chỉ đạo nhà thầu khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu trong tháng 3/2022, triển khai các công tác thỏa thuận mức giá đền bù với các hộ dân.
Bộ GTVT cũng lưu ý chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công, thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra, thí nghiệm chất lượng vật liệu, công việc, hạng mục công trình... theo đúng quy định tại hồ sơ thiết kế và hồ sơ chỉ dẫn kỹ thuật.
“Đối với hạng mục công trình có khiếm khuyết về chất lượng (nếu có), phải kiên quyết chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý, đảm bảo tuân thủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án”, văn bản nêu rõ.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có tổng chiều dài hơn 35 km, trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư khoảng hơn 7.600 tỷ đồng.
Dự án đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có tổng chiều dài hơn 54km, đi qua các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 9.700 tỷ đồng.
Giai đoạn hoàn chỉnh, hai dự án thành phần được đầu tư quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường điển hình 17m.
Sưu tầm
Cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT giao chuẩn bị và thực hiện 6 dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ.
Cục Đường bộ VN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT xin giao nhiệm vụ chuẩn bị và thực hiện một số dự án đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đó, 6 dự án được Cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT giao chuẩn bị và thực hiện các dự án như: Dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh từ TP Cà Mau đến Đất Mũi; dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn nối cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Một đoạn QL1, đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Cà Mau - Ảnh: Gia Minh
Dự án nâng cấp, mở rộng cầu vượt B49 vượt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên QL10; dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa QL10 và đường huyện 31, TP Hải Phòng; dự án nâng cấp, mở rộng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới; dự án nâng cấp, mở rộng QL15 đoạn qua Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa - Tiểu dự án 1 nâng cấp đoạn Km0 - Km20.
Đại diện Cục Đường bộ VN cho hay, thời gian qua Cục đã được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và quản lý thực hiện các dự án Quản lý tài sản đường bộ VN; Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương; dự án 45 cầu miền Trung và Tây Nguyên; Dự án sửa chữa cầu Thăng Long.
Các dự án trên được Cục Đường bộ VN thực hiện từ khi chuẩn bị đầu tư, lập dự án và quản lý thi công đến giai đoanh bàn giao đưa vào sử dụng. Các dự án này cũng được nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới, JICA) đánh giá cao về chất lượng, tiến độ thực hiện.
Các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được Cục Đường bộ VN hoàn thành và được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư như: Dự án cải tạo, nâng cấp QL31 đoạn Km2400 – Km44+900, tỉnh Bắc Giang; dự án cải tạo nâng cấp QL7; dự án cải tạo, nâng cấp QL14E.
Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp QL31 là một trong những dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt và khởi công đầu tiên của Bộ GTVT.
Dự án này sẽ được thi công hoàn thành trong năm 2023, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Hiện nay, Bộ GTVT đang trong giai đoạn tập trung cao độ để triển khai thực hiện các dự án xây dựng đường cao tốc và một số dự án trọng điểm trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với khối lượng công việc đặc biệt lớn, các mốc tiến độ đang đến gần.
Đồng thời, Chính phủ cũng đang chỉ đạo tập trung lập đề xuất dự án và triển khai đầu tư một số dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có tính chất kết nối, đảm bảo khai thác hiệu quả công trình.
"Với mong muốn góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chung của ngành, trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện đề đề xuất chủ trương đầu tư, chuẩn bị và thực hiện các dự án giao thông, Cục Đường bộ đề xuất các dự án nêu trên. Trường hợp được giao nhiệm vụ, Cục Đường bộ VN sẽ chỉ đạo Ban QLDA 3 đẩy nhanh công tác chuẩn bị và thực hiện đảm bảo tiến độ theo yêu cầu", đại diện Cục Đường bộ nói.
Sưu tầm
Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng và Chơn Thành - Gia Nghĩa được bổ sung vào danh mục công trình trọng điểm ngành GTVT.
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục dự án và thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Bên cạnh việc bổ sung danh mục dự án, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có hai dự án đi qua cũng được bổ sung làm Ủy viên Ban Chỉ đạo - Ảnh minh họa
Nội dung tờ trình nêu rõ: Tại cuộc họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung các dự án đường bộ cao tốc: Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng và Chơn Thành - Gia Nghĩa vào danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Đồng thời, bổ sung Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có các dự án nêu trên vào thành viên Ban Chỉ đạo và kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo đã chuyển công tác hoặc nghỉ chế độ.
Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung các dự án và thành viên nêu trên vào danh mục dự án và thành viên Ban Chỉ đạo.
Theo dự thảo quyết định, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được bổ sung làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo.
Kiện toàn ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Ủy viên Ban Chỉ đạo thay thế đồng chí Lê Quang Hùng; Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ủy viên Ban Chỉ đạo thay thế ông Tạ Anh Tuấn.
Đồng thời, bổ sung ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Bình Phước và Đắk Nông vào danh sách ủy viên Ban Chỉ đạo.
Trước đó, ngày 2/11/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1316 bổ sung các dự án đường bộ cao tốc: Tuyên Quang - Phú Thọ, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Dự án nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và dự án xây dựng đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM (kết nối vào nhà ga T3) vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT.
Tại quyết định này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng được kiện toàn làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo thay ông Nguyễn Văn Thể.
Chủ tịch UBND các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng được bổ sung vào danh sách Ủy viên Ban Chỉ đạo.
Theo quyết định ban đầu (Quyết định số 884 ngày 23/7/2022 về việc thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT), các dự án được đưa vào danh mục gồm: Đường Hồ Chí Minh; Các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Đông; Bến Lức - Long Thành; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM.
Cùng đó là dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Các tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP.HCM; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết.
Thành phần Ban Chỉ đạo gồm: Trưởng Ban Chỉ đạo - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; 2 Phó trưởng Ban Chỉ đạo.
Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua và 18 thành viên là lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Bộ Xây dựng; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ GTVT; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Kiểm toán Nhà nước.
Sưu tầm
Dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột dài hơn 31 km, giúp kết nối các tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, phát triển kinh tế ở khu vực.
Nội dung trong quyết định dự án thành phần 1, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vừa được UBND tỉnh Khánh Hoà phê duyệt. Tuyến đường thuộc dự án cao tốc kết nối tỉnh ven biển Khánh Hoà với Tây Nguyên, dài hơn 117 km, tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, đã được Chính phủ thông qua.
Khu vực cảng nam Vân Phong, gần điểm đầu dự án
Dự án thành phần 1 dài hơn 31,5 km, đị qua địa phận thị xã Ninh Hoà; điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, thuộc khu vực cảng nam Vân Phong, điểm cuối thuộc xã Ninh Tây.
Giai đoạn đầu, đường được xây rộng 17 m, 4 làn xe, sau đó sẽ nâng lên 25 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Toàn tuyến làm ba nút giao, hai cầu vượt, 15 hầm chui, 21 cầu (18 cầu tuyến chính; ba cầu trên đường ngang, đường gom).
Trong tổng số vốn hơn 5.300 tỷ đồng, hơn 600 tỷ đồng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, gần 4.000 tỷ đồng chi phí xây dựng, hơn 700 tỷ dành cho phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí dự phòng. Tuyến sẽ được hoàn thành một số đoạn có lượng xe đông trước năm 2025, khai thác đồng bộ vào 2027.
Hướng tuyến cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột
Cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột chia làm ba dự án thành phần. Ngoài dự án thành phần 1 do tỉnh Khánh Hoà triển khai, dự án thành phần 2 dài 37,5 km do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản, dự án thành phần 3 dài 48,5 km do Đăk Lăk thực hiện. Cả ba dự án đang được đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, mục tiêu khởi công giữa năm sau.
Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung. Đây cũng tuyến vận chuyển nông sản của các tỉnh Tây Nguyên xuất khẩu thông qua cảng biển Vân Phong (Khánh Hòa).
Sưu tầm
Theo đề xuất, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua tỉnh Ninh Bình được đầu tư quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 8.450 tỷ đồng.
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua tỉnh Ninh Bình.
Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh - Ảnh minh họa
Theo phương án đề xuất, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua địa phận tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài 25,3km.
Điểm đầu dự án tại nút giao Mai Sơn giao với cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Điểm cuối tại cầu vượt sông Đáy (cầu Tam Tòa) nối hai tỉnh Nam Định, Ninh Bình thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Tuyến cao tốc sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, bề rộng mặt đường 15m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Với phương án trên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.450 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng tuyến chính và đường gom khoảng 3.658 tỷ đồng; Chi phí xây dựng cầu, hầm chui, cống lớn khoảng 1.597 tỷ đồng; Chi phí GPMB là 1.500 tỷ đồng; Chi phí xây dựng phần chiếu sáng và ITS dự kiến 270 tỷ đồng; Chi phí QLDA, tư vấn đầu tư và chi phí khác khoảng 500 tỷ đồng; Chi phí dự phòng là 925 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư dự án được đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, ngân sách tỉnh Ninh Bình bố trí 2.000 tỷ đồng thực hiện GPMB và một số chi phí có liên quan khác; Ngân sách TƯ bố trí khoảng 6.450 tỷ đồng.
Theo lộ trình, dự án được thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026.
Để dự án có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh cục bộ điểm đầu dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20240 từ vị trí tại TP Ninh Bình sang vị trí tại nút giao Mai Sơn.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản dự án. Sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ bàn giao lại Bộ GTVT quản lý, khai thác, bảo trì theo quy định.
Sưu tầm
Đường vành đai 3,5 đoạn cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32 (QL32) có chiều dài khoảng 3,5 km, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.495 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Hà Nội.
Ngày 10/3, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của thành phố, trong đó có dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn cầu Thượng Cát - QL32.
Trong ảnh: Vành đai 3,5 đoạn Thượng Cát - QL32 có điểm đầu ở đê hữu Hồng (đường Thượng Cát).
Theo dự thảo chủ trương đầu tư dự án, mục tiêu đầu tư tuyến đường nhằm đảm bảo tính đồng bộ nối thông toàn tuyến vành đai 3,5 từ phía nam sang phía bắc sông Hồng; mở thêm đường kết nối phía tây, tây nam Thủ đô giữa các quận, huyện phía bắc và nam sông Hồng; giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường vành đai 3, QL32.
Trong ảnh: Vành đai 3,5 đi qua đường Kỳ Vũ, gần UBND phường Thượng Cát.
Tuyến đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát - QL32 có tổng chiều dài khoảng 3,5 km, quy mô mặt cắt ngang 60m.
Trong ảnh: Vành đai 3, 5 giao với đường Thượng Cát đoạn gần nút giao Thượng Cát - Châu Đài.
Đoạn tuyến này giao với đường Kỳ Vũ đoạn qua khoảng giữa trường THCS Thượng Cát và trạm y tế phường này.
Từ đường Kỳ Vũ, vành đai 3,5 chủ yếu đi qua cánh đồng và giao với đường Tây Thăng Long đoạn gần Tổ dân phố số 1, Tây Tựu.
Đoạn nút giao này trên thực tế cách đường 70 khoảng 320m
Vị trí nút giao quan trọng của tuyến vành đai 3,5 với trục Tây Thăng Long (đang xây dựng).
Từ đường Tây Thăng Long, vành đai 3,5 đi theo hướng về sông Pheo. Trên tuyến có cầu qua sông Pheo đoạn cách cầu Đăm khoảng 400m.
Từ sông Pheo, vành đai 3,5 đi qua thôn Thượng, Tây Tựu.
Tuyến đường này đi qua phường Tây Tựu, không đi qua nhà dân.
Từ thôn Thượng, vành đai 3,5 hướng về cụm công nghiệp Lai Xá, QL32.
Tuyến đi qua cụm công nghiệp, gần trường Đại học Thành Đô.
Đoạn tuyến này giao với QL32 đoạn cụm công nghiệp Lai Xá, nối tiếp vào đoạn vành đai 3,5 từ QL32 đi Đại lộ Thăng Long đang xây dựng.
Đây là dự án nhóm B, với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.495 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng tại quận Bắc Từ Liêm và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2026.
Sưu tầm (HLĐ)
Trong quý 2/2023, có 8 dự án giao thông sẽ bắt đầu triển khai, trong đó có 5 dự án quan trọng quốc gia...
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, theo kế hoạch, trong quý 2/2023 sẽ có 8 dự án giao thông được khởi công. Trong đó, có 5 dự án quan trọng quốc gia.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, chia làm 3 dự án thành phần với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng.
Hiện tại, công tác thẩm định 3/3 dự án thành phần đã được hoàn thành. Chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án thành phần 1 và dự án thành phần 3.
Đối với dự án thành phần 2, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đang trình Bộ GTVT phê duyệt, bảo đảm hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công các dự án thành phần trước ngày 30/6/2023.
Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.837 tỷ đồng.
Tính đến nay, 3/3 dự án thành phần đã được phê duyệt.
Trong đó, dự án thành phần 1 do Ban QLDA thuộc tỉnh Đồng Nai đang lựa chọn nhà thầu thiết kế kỹ thuật dự toán. Dự kiến, cuối tháng 5/2023 thiết kế kỹ thuật, dự toán sẽ được phê duyệt, tiến tới lựa chọn nhà thầu xây lắp khởi công trước 30/6.
Dự án thành phần 2 do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thiết kế kỹ thuật, dự toán. Dự kiến, thiết kế kỹ thuật được phê duyệt trước 30/4, phê duyệt dự toán 25/5 làm cơ sở lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công trước ngày 30/6/2023.
Dự án thành phần 3 do Ban QLDA giao thông khu vực Cái Mép-Thị Vải đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thiết kế kỹ thuật, dự toán. Dự kiến, thiết kế kỹ thuật, dự toán được phê duyệt trước ngày 17/5/2023; công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công ngày 18/6.
Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng lớn vào năm 2025 - Ảnh minh họa.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hiện tại, 4/4 dự án thành phần đã được duyệt.
Trong đó, dự án thành phần 1 do Ban QLDA thuộc tỉnh An Giang là chủ đầu tư dự kiến hoàn thiện lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và thực hiện hoàn thiện công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán chậm nhất đến ngày 30/4/2023 để trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, đảm bảo khởi công trước ngày 30/6/2023.
Dự án thành phần 2 do Ban QLDA thuộc TP Cần Thơ làm chủ đầu tư dự kiến phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán cuối tháng 5/2023, lựa chọn nhà thầu thi công trước 20/6/2023.
Dự án thành phần 3 do Sở GTVT tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư dự kiến phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trong tháng 5/2023, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công trước 30/6.
Dự án thành phần 4 do Ban QLDA thuộc tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư dự kiến phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trước ngày 30/5/2023, lựa chọn nhà thầu thi công trước ngày 15/6/2023, khởi công vào 30/6/2023.
Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
Dự án có chiều dài 76 km, gồm 8 dự án thành phần (4 dự án thành phần xây lắp và 4 dự án thành phần GPMB). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 75.300 tỷ đồng.
Hiện tại, 4/4 dự án thành phần xây lắp đã được phê duyệt, đang tập trung triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán.
Riêng dự án thành phần 3, Bộ GTVT đang đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán trước ngày 15/3/2023, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo tiến độ khởi công trước ngày 30/6.
Dự án dự kiến hoàn thành sau 3 năm kể từ ngày khởi công.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội
Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô - Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội
Dự án được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm: hơn 103km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng.
Dự án gồm 7 dự án thành phần (4 dự án thành phần xây lắp, 3 dự án thành phần GPMB).
Đến nay, 1/4 dự án thành phần xây lắp (DATP2.1 - TP Hà Nội) đã được duyệt, đang tổ chức lựa chọn tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2023.
Tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Dự án có chiều dài xây dựng khoảng 13,31km với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.
Theo báo cáo, hiện nay, dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn bước thiết kế bản vẽ thi công; dự kiến phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán vào tháng 5/2023, lựa chọn nhà thầu thi công, khởi công trong tháng 6/2023.
Theo kế hoạch, dự án được hoàn thành vào năm 2024.
Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống)
Phương án kiến trúc cầu Đuống mới.
Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp. Trong đó, gói thầu XL02 đã hoàn thành thẩm định thiết kế. Công tác thẩm định thiết kế gói XL01 và dự toán hai gói thầu dự kiến hoàn thành trước 30/3/2023.
Công tác mời thầu các gói thầu xây lắp trong tháng 4/2023, hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công trong tháng 5/2023, khởi công tháng 6/2023.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL8C đoạn từ Thiên Cầm - QL1 và đoạn từ QL8 đến đường HCM, tỉnh Hà Tĩnh
Dự án có tổng chiều dài tuyến gần 28 km với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Hiện nay, công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn bước thiết kế bản vẽ thi công đang được thực hiện.
Dự kiến, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán sẽ được phê duyệt trong tháng 5/2023, lựa chọn nhà thầu thi công, khởi công trong tháng 6/2023. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành năm 2025.
Sưu tầm (HLĐ)
Bình Thuận: Ngày 25/3, thông xe kỹ thuật 8km đường ven biển kết nối QL1
Nhà thầu đang gấp rút thi công đoạn đường ven biển dài 8km kết nối QL1, để kịp thông xe phục vụ lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia ở Bình Thuận.
Sáng 8/3, ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết, đoạn đường ven biển ĐT 719B nhà thầu đang tăng tốc thi công để đảm bảo thông xe tạm 8km kết nối QL1 đến khu vực biển Tiến Thành.
Theo ông Hiền đoạn kết nối này đang được nhà thầu gấp rút thi công để hoàn thành trước ngày 25/3.
Đây là địa điểm tổ chức lễ khai mạc (tại NovaWorld Phan Thiết) Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại tỉnh Bình Thuận, diễn ra dự kiến vào tối 25/3.
Một đoạn đường ven biển ĐT 719B đang thi công.
“Trước ngày 25/3, đơn vị thi công phối hợp Cục Đường bộ Việt Nam mở dải phân cách cho xe lưu thông từ QL1 đi vào dự án đến nút giao Hàm Kiệm - Tiến Thành. Việc thông xe tạm một đoạn đường trước mắt nhằm phục vụ lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia tại tỉnh Bình Thuận”, ông Hiền nói.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông trên công trường dự án đường ven biển ĐT 719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà) đơn vị thi công đang tập trung thảm nhựa mặt đường, gấp rút thi công khoảng 1km từ nút giao QL1 đến cầu Máng.
Đoạn từ cầu Máng đến nút giao đường Hàm Kiệm - Tiến Thành đã được thảm nhựa hoàn chỉnh cả hai chiều đường.
Xe lu đang cán nền đường chuẩn bị thảm mặt đường tại nút giao Hàm Kiệm - Tiến Thành.
Ông Nguyễn Xuân Viên - Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng 515, nhà thầu thi công cho biết, đến nay nhà thầu đang bố trí nhiều mũi thi công ngày đêm đoạn 700m đường kết nối QL1. Công tác thi công cũng gặp trở ngại do gặp nhiều công trình ngâm cáp viễn thông, đường ống nước.
Hiện tại nhà thầu vừa thi công vừa phối hợp các đơn vị di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để sớm hoàn thành, đảm bảo thông xe 8km đầu tuyến phục vụ lễ khai mạc.
Theo nhà thầu thi công, tuyến đường ven biển ĐT719B dài hơn 25,6km, các đoạn đã được bàn giao mặt bằng hầu hết đã hoàn thành thảm nhựa mặt đường.
Nhộn nhịp thi công đường ven biển tại nút giao kết nối QL1.
Tuy nhiên khó khăn mặt bằng được bàn giao không liền khoảnh và đoạn gần 4km chồng lấn đi qua mỏ khai thác Titan Tân Quang Cường và hơn 3km thuộc diện tích đất của các hộ dân chưa được bàn giao nên chưa thể thi công.
Đáng lo nhất là khu vực mỏ titan nếu thời gian kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch thông xe toàn tuyến vào đầu năm 2024 theo hợp đồng.
“Khi chủ mỏ khai thác xong, nhà thầu phải khảo sát lại và lên thiết kế kỹ thuật mất nhiều thời gian. Mặt bằng bàn giao chậm đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành dự án”, ông Viên cho hay.
Sưu tầm (HLĐ)
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề xuất tự bố trí hơn 14.700 tỷ đồng để mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe.
Là đơn vị quản lý tuyến cao tốc, VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao vành đai 2 TP HCM đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 21,9 km. Trong đó, từ nút giao vành đai 2 đến vành đai 3 mở rộng lên 8 làn xe; từ vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên 10 làn xe.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện có 4 làn xe, 2 làn khẩn cấp. Ảnh: Gia Minh
Tổng mức đầu tư sơ bộ là 14.780 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó chi phí xây dựng gần 10.800 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng gần 800 tỷ đồng, quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.000 tỷ đồng, dự phòng hơn 2.100 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý IV/2022 đến quý I/2026.
Đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao vành đai 2 dài 4 km và mở rộng nút giao An Phú, VEC kiến nghị để TP HCM đầu tư do đoạn tuyến này đã được bàn giao cho thành phố bảo trì và khai thác.
Về phương án đầu tư, VEC đánh giá đầu tư công sẽ có ưu điểm là triển khai ngay được dự án, đẩy nhanh tiến độ. Song sử dụng ngân sách nhà nước sẽ làm tăng trần nợ công, khả năng bố trí ngân sách là rất khó.
Hình thức xã hội hóa (PPP) giúp ngân sách nhà nước không bị áp lực song vẫn vẫn đòi hỏi bố trí một phần vốn đầu tư công. Ngoài ra, tuyến TP HCM - Dầu Giây đã được VEC đầu tư trong giai đoạn 1 nên sẽ khó phân chia sản lượng khai thác, doanh thu và trách nhiệm quản lý sau này.
Trường hợp thực hiện loại hợp đồng O&M (Kinh doanh - Quản lý), việc huy động vốn sẽ có tính khả thi cao, nhưng Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện còn nhiều quy định chưa cụ thể.
Đoạn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được mở rộng. Đồ họa: Thanh Huyền
Trên cơ sở phân tích, VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải được nghiên cứu đầu tư mở rộng dự án theo hình thức tự huy động vốn, để đáp ứng tiến độ hoàn thành quý I/2026.
Doanh nghiệp này đã hoàn thành đề án tái cơ cấu, theo đó vốn điều lệ giai đoạn 2022-2025 dự kiến tăng lên 49.560 tỷ đồng, đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay để thực hiện đầu tư dự án.
6 năm trước, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km được đưa vào sử dụng, vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Lưu lượng phương tiện lưu thông liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10% mỗi năm.
Hiện tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe đã quá tải, nhu cầu thông qua hiện vượt 25% so với năng lực của tuyến. Theo đánh giá của VEC, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không đáp ứng được nhu cầu vận tải trên tuyến. Đặc biệt, đến năm 2025, sân bay Long Thành khai thác, dự án sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành.
Đoạn từ nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến nút giao cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có thể khai thác ổn định đến năm 2030, còn đoạn tiếp nối đến nút giao Dầu Giây có thể khai thác đến năm 2040.
Sưu tầm (HLĐ)
Công ty Cổ phần Nhựa đường Thiết bị Giao thông – tên giao dịch quốc tế : Bitumen Equipment Supply for Transportation (BEST). Được thành lập từ năm 2009, trải qua quá trình phát triển, BEST đã đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất và xây dựng chiến lược kinh doanh để trở thành một trong số các nhà cung ứng nhựa đường hàng đầu tại Việt Nam.