Bộ GTVT vừa có văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024.
Nhiều dự án cao tốc lớn đang được thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ thi công và sản lượng giải ngân vốn đầu tư công được giao.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Bộ, các chủ đầu tư/ban QLDA đã tích cực tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Cập nhật mới nhất từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư, ước tính đến hết tháng 11/2024, Bộ GTVT đã giải ngân 51.200 tỷ đồng, đạt gần 68% kế hoạch vốn được giao.
Xác định thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2024 còn rất ngắn, trong khi số vốn còn lại cần giải ngân khá lớn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA khẩn trương hoàn thiện thủ tục giải ngân.
Trong đó, các chủ đầu tư/ban QLDA phải điều chỉnh phân khai dự toán cơ cấu chi trên hệ thống Tabimis đối với từng dự án (nếu cần), bảo đảm giải ngân hết số kế hoạch vốn được kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024 còn lại trước ngày 31/12 theo quy định.
"Các chủ đầu tư/ban QLDA cần phân công lãnh đạo, theo dõi, tăng cường tần suất kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện trong từng tuần, bám sát tiến độ thực hiện dự án, xử lý ngay các tồn tại bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án được giao quản lý", Bộ GTVT chỉ đạo.
Đối với Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư/ban QLDA, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT hàng tháng để chỉ đạo các giải pháp điều hành, xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
(Sưu tầm)
Khoảng giữa tháng 11, hàng loạt mỏ đá tại Bình Dương và Đồng Nai thông báo điều chỉnh giá.
Ông Hoàng, nhà cung cấp cát, đá cho nhiều gói thầu giao thông tại TP Thủ Đức cho biết: "Giá đá tăng liên tục trong suốt cả năm qua. Có đơn vị điều chỉnh giá tăng 4 lần trong năm. Dù mỗi lần tăng giá chỉ từ 2.000 - 4.000 đồng/tấn, nhưng khi quy đổi ra mét khối và nhân với tổng khối lượng, dự toán bị đẩy lên hàng trăm triệu đồng".
Công suất các mỏ đá hạn chế trong lúc nhiều dự án giao thông thi công đồng loạt khiến giá đá liên tục tăng, khan hiếm cục bộ.
Theo ông Hoàng, với tỷ trọng quy đổi một mét khối đá tương đương 1,6 tấn, mỗi tấn tăng giá 4.000 đồng tương ứng mỗi khối tăng giá 6.400 đồng. Cứ dùng 100.000m3, nhà cung cấp đối mặt với tình thế bị bào mòn gần 650 triệu đồng.
Đại diện nhà thầu thi công Vành đai 3 tại TP Thủ Đức chia sẻ thêm, tình trạng trên mới chỉ phản ánh một phần từ đơn vị cung cấp. Ở góc độ nhà thầu trực tiếp thi công, giá đá thực sự gây áp lực lớn.
Hạch toán trên mới chỉ là giá đá đầu vào mỗi lần mỏ khai thác điều chỉnh tăng giá chứ chưa bao gồm các chi phí vận chuyển, tập kết. Khi cấu thành vào giá bán giao đến công trường, nhà thầu phải gánh thêm hơn 100.000 đồng/m3 đá bởi chi phí vận chuyển đường thủy, đường bộ.
"Mới tuần trước, công ty tôi đã quyết định không tham gia một gói thầu có giá trị lớn tại TP.HCM bởi xác định không thể đưa ra giá dự thầu thấp hơn giá gói thầu của chủ đầu tư", vị đại diện cho biết.
Ghi nhận trên đoạn sông Đồng Nai giáp khu vực mỏ đá Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), hàng trăm sà lan lớn neo đậu đợi lấy hàng giao về TP.HCM và các tỉnh miền Tây.
Nhà thầu phải mua gom đá từ các bến vật liệu xây dựng ven sông.
Ông Đệ (52 tuổi), một tài công chuyên đi lộ trình Thường Tân – Long An cho biết, số lượng sà lan đổ về đây tăng mạnh từ khoảng giữa năm nay nên thời gian chờ làm hàng rất lâu, có lúc còn kẹt cả đoạn sông.
"Thời gian neo lại lâu nên cước vận chuyển gần đây cũng tăng từ 40.000 đồng/m3 lên 50.000 đồng/m3 tùy lộ trình. Người ta tìm mua nhiều lắm mà kẹt hàng nên phải chờ lâu. Có sà lan phải nằm lại tới hôm sau mới có hàng", ông Đệ cho biết.
Lý giải tình trạng giá đá xây dựng không ngừng tăng và khan hiếm, ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, các dự án giao thông trọng điểm đang tiêu thụ sản lượng rất lớn, áp lực từng ngày.
Trong khi đó, thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác phức tạp, cần cả năm để nhà đầu tư mỏ hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đơn cử, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cần khoảng 5.200.000m3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần tới gần 1.500.000m3, sân bay Long Thành dự kiến sử dụng 2.000.000m3.
Tại TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ đá cũng áp đảo nhu cầu của thị trường chung. Từ đó, nguồn cung từng chủng loại đá gần như ưu tiên cho thị trường giao thông theo đặc thù giai đoạn.
"Các loại đá 1 x 1 quy cách dùng cho ngành bê tông tươi phục vụ xây dựng dân dụng đã khan hàng suốt một tháng nay. Các mỏ ở Bình Dương, Đồng Nai đều báo tạm hết hàng vì khách hàng cũ đã đặt mua toàn bộ khối lượng theo công suất khai thác", ông N - giám đốc doanh nghiệp kinh doanh bê tông tươi cho biết.
Theo khảo sát thị trường vật liệu đá xây dựng từ chứng khoán Funan, tổng sản lượng của top 5 doanh nghiệp đầu tư khai thác mỏ đá tại Bình Dương và Đồng Nai hiện nay là hàng trăm triệu mét khối nhưng chỉ khai thác khoảng 16.000.000m3/năm.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã quy hoạch hơn 1.300ha đất cho mục đích khai thác khoáng sản nằm ở các huyện Vĩnh Cửu, TP Biên Hòa, huyện Xuân Lộc, huyện Thống Nhất và rải rác tại một số địa phương khác.
Lợi thế nguồn tài nguyên này giúp tỉnh có thêm nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Quan trọng nhất là giải quyết nguồn vật liệu xây dựng đáp ứng cho các tỉnh, thành phía Nam.
Để nguồn cung đá đáp ứng đủ, không xảy ra biến động giá, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch khai thác 40 mỏ với tổng diện tích hơn 1.400ha để phục vụ xây dựng dân dụng và các công trình, dự án trọng điểm giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cho biết, đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đấu giá 4 mỏ đá tại huyện Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Khi các mỏ này hoàn tất thủ tục đấu giá, sẽ cung cấp ra thị trường 3.000.000m3 mỗi năm.
Cùng với công suất các mỏ đang khai thác, thêm những mỏ mới sẽ cơ bản giải quyết nhu cầu đá xây dựng cho khu vực miền Nam.
Nói về phương án căn cơ để chủ động nguồn vật liệu đá, đại diện một nhà thầu giao thông lớn tại TP.HCM chia sẻ, việc phụ thuộc vào nhà cung cấp có không ít rủi ro.
Khi thị trường có biến động, giá tăng hoặc khan hiếm đều tác động trực tiếp tới tiến độ dự án mà nhà thầu đang tham gia.
Vị này cho rằng, các doanh nghiệp thi công hạ tầng giao thông nên cân nhắc định hướng đầu tư khai thác trực tiếp các mỏ đá.
(Sưu tầm)
Ngày 4/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Hải Bình - Giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông, Sở GTVT Hưng Yên cho biết: Đơn vị đang gấp rút hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để khởi công xây dựng dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao với ĐT378), tỉnh Hưng Yên.
Lễ khởi công sẽ được tổ chức vào ngày 7/7, là một trong những hoạt động thuộc chuỗi sự kiện công bố quy hoạch và hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên.
Sơ đồ hướng tuyến của tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan trị giá gần 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan sẽ có tổng chiều dài là 29,2km, đi qua địa bàn của 14 xã thuộc 3 huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ của tỉnh Hưng Yên. Đường được chia thành hai nhánh, gồm:
Đầu tư tuyến chính gồm 2 đường song hành quy mô đường III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Điểm đầu Km 0+00 tại xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, điểm cuối Km 23+600 giao ĐT378 thuộc địa phận xã Tống Trân, huyện Phù Cừ.
Tuyến cắt qua Đường nối vành đai V vùng thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với QL38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa phận tỉnh Hưng Yên tại Km 5+400, giao cắt QL38B tại Km 15+850, giao cắt tuyến tránh QL38B tại Km 19+800, điểm cuối tuyến đấu nối vào ĐT378.
Khi đường hoàn thành sẽ trở thành trục "xương sống" thứ 3 của tỉnh Hưng Yên, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế một vùng rộng lớn nằm ở phía Đông của tỉnh. (Ảnh minh hoạ).
Tuyến nhánh kết nối đường dẫn cầu La Tiến và nhánh thuộc nút đầu tuyến kết nối với QL38 quy mô đường II đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005.
Tổng mức đầu tư dự án là 2.986,8 tỷ đồng. Dự án được đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025. Thời gian thi công dự án là 720 ngày.
Để triển khai dự án, tỉnh Hưng Yên dự kiến phải giải phóng mặt bằng với diện tích là 175 ha. Công tác giải phóng mặt bằng đã được các địa phương bắt đầu triển khai từ năm 2023, đến nay đã giải phóng được 89% mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện cho các đơn vị sau khi khởi công có thể triển khai thi công luôn.
Sưu tầm
Ghi nhận của PV báo Giao thông trong ngày 8/7, trên công trường xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn dài hơn 19km qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (dự án thành phần 3) là đoạn có máy móc thi công đều khắp trên toàn tuyến.
Dự án này được thi công bởi liên danh ba nhà thầu gồm Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703. Trên toàn tuyến xây mới 11 cầu và 1 hầm chui dân sinh. Cả ba nhà thầu huy động 225 thiết bị, gần 500 nhân sự, triển khai 15 mũi thi công.
Trong đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công 14,2km đường, 5 mũi thi công với gần 200 nhân sự. Hiện, đã đến công đoạn cấp phối đá dăm, lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng, tưới bám dính, chờ thời tiết nắng nóng thuận lợi sẽ bắt đầu thảm nhựa.
Việc tưới bám dính nối dài từ điểm đầu dự án kéo dài nhiều km, tạo nên một vệt đường nối dài về phía biển.
Một kỹ sư cho biết: Thời tiết đang mùa mưa nên thi công gặp khó khăn hơn trước, tuy nhiên mưa tạnh sẽ ra làm ngay để giữ được nhịp độ công việc. Riêng việc thảm nhựa chờ thời tiết nắng nóng, khô ráo nhiều ngày mới triển khai.
Trong khi điểm đầu dự án phía Bà Rịa - Vũng Tàu đã thi công đến khâu tưới bám dính, chờ thảm nhựa thì phía Đồng Nai địa phương vẫn lo giải phóng mặt bằng. Hiện, các nhà thầu chủ yếu thi công cuốn chiếu tại các vị trí đã có đất sạch và phải vừa làm vừa chờ đất sạch.
Còn vị trí phần việc của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 có chiều dài 5,3km, nhà thầu huy động 75 thiết bị và trên 115 nhân sự triển khai 5 mũi thi công. Nhà thầu này đang làm đường, hai cầu vượt ngang, cống. Ghi nhận của PV, tại phần cầu, công nhân đã triển khai cọc khoan nhồi, đang làm sắt thép, đúc cấu kiện…
Còn ở phần đường đoạn này đã thành hình được cấp phối đá dăm và nhiều vị trí qua thành phố Bà Rịa đã gia cố xi măng, trải vải địa kỹ thuật. Công nhân làm việc xuyên ngày đêm để đẩy nhanh các hạng mục qua khu vực này.
Công nhân Nguyễn Văn Hoàng cho biết đã theo công trình được nửa năm và nay đang làm khâu trải vải địa kỹ thuật. Việc trải vải địa kỹ thuật để nước thấm một chiều, giữ ẩm, bảo dưỡng nền.
Riêng Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình được giao làm 9 cầu nên nhà thầu đã huy động 50 thiết bị, hơn 100 nhân sự triển khai 6 mũi thi công. Hiện, công nhân tập trung thi công 6 cầu, trong đó, 5 cầu đang thi công cọc khoan nhồi, bệ thân mố trụ và 1 cầu hoàn thiện (cầu Suối Đá). Tổng sản lượng đạt được khoảng trên 35%.
Theo Ban QLDA Giao thông Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư), dự án đến nay đã hoàn tất 100% mặt bằng nên thi công thuận lợi, khối lượng đạt khoảng 40%. Năm 2024, dự án cũng được bố trí 987 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. Đến nay, dự án đã giải ngân được khoảng trên 40%.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km, tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 dài hơn 34km đi qua tỉnh Đồng Nai còn dự án thành phần 3 dài hơn 19km qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với dự án thành phần 3, Tập đoàn Sơn Hải (công ty đứng đầu trong liên danh) cam kết sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4/2025. Nếu cam kết này đúng hẹn thì dự án thành phần 3 về đích trước 5 tháng so với cam kết trong hợp đồng và trước 8 tháng so với nghị quyết của Chính phủ (thông xe kỹ thuật tháng 12/2025).
Sưu tầm
Ngày 11/7, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, thành phần 2 phía Tiền Giang đã hoàn tất hồ sơ đấu thầu, dự kiến cuối tháng 7/2024 khởi công.
Về giải phóng mặt bằng (GPMB), UBND huyện Cái Bè đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 420 hộ dân bị ảnh hưởng và bố trí khu tái định cư với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Thi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 phía Đồng Tháp.
Theo ông Nguyễn Văn Nha, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, huyện đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 418 hộ với số tiền trên 764 tỷ đồng, đạt trên 98%.
Huyện đang tiếp tục vận động 2 hộ dân cuối cùng nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho dự án.
Trước đó, Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Tổng mức đầu tư dự án 7.496 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguyên nhân chính dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng do tăng chi phí GPMB và điều chỉnh chi phí xây dựng.
Dự án thành phần 1 qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có tổng mức đầu tư khoảng trên 3.600 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB khoảng 623 tỷ đồng. Dự án này đã được tỉnh Đồng Tháp khởi công trong tháng 6/2023.
Dự án thành phần 2 có tổng số vốn đầu tư khoảng trên 3.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng trên 1.000 tỷ đồng.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe, có làn dừng khẩn cấp. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Sưu tầm
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cao tốc Cần Thơ- Cà Mau đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo kế hoạch, trong thời kỳ quy hoạch, tỉnh Hậu Giang tiếp tục hoàn thiện các cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện.
Cụ thể, tập trung triển khai các dự án đang được tỉnh triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 gồm: dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết nối hệ thống giao thông thủy bộ đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau; đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng đường tỉnh 925B (đoạn từ xã Vị Thuỷ đến Vĩnh Thuận Tây); đầu tư xây dựng đường tỉnh 926B, tỉnh Hậu Giang kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng.
Các dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 927 (đoạn từ thị trấn Cây Dương đến thành phố Ngã Bảy); đầu tư xây dựng đường tỉnh 927 (đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường); đầu tư xây dựng đường tỉnh 929 (đoạn từ đường tỉnh 931B đến quốc lộ 61).
Bên cạnh các dự án nội tỉnh, tỉnh Hậu Giang phối hợp với Bộ GTVT đầu tư các dự án giao thông đối ngoại quan trọng, mang tính liên kết vùng điển hình như: dự án đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ Nam Sông Hậu; đầu tư xây dựng quốc lộ 91D; đầu tư xây dựng tuyến tránh quốc lộ 61 tại thị trấn Kinh Cùng.
Bám sát định hướng bốn trụ cột kinh tế được đề ra, trong giai đoạn 2026-2030, Hậu Giang tập trung ưu tiên thực hiện các dự án kết nối với hai tuyến cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Trong đó, phải kể đến các dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 925C, 925B (đoạn từ quốc lộ 61 đến quốc lộ 1), 927D, nâng cấp mở rộng đường tỉnh 930; xây cầu qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Xà No.
Ngoài ra, trong giai đoạn nói trên, địa phương cũng chú trọng đến các dự án giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, như nâng tĩnh không cầu Nàng Mau, đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Chí Thanh và các cầu trên đường tỉnh 927, 926,...
Bên cạnh các dự án giao thông, tỉnh Hậu Giang còn đầu tư hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ số, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Để thực hiện các chương trình, dự án nằm trong quy hoạch, tỉnh Hậu Giang cần huy động khoảng 330.000 tỷ đồng.
Trong quyết định, Thủ tướng Chính giao UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các cam kết, tuyệt đối không hợp thức hóa các sai phạm trước đây liên quan đến một số chương trình, dự án.
Đối với các dự án đang xử lý theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án thuộc danh mục các dự án quan trọng dự kiến đầu tư chỉ được triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Sưu tầm
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Ban QLDA đường Hồ Chí Minh về việc kiểm soát chất lượng, tiến độ thi công dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa thời điểm thi công dở dang (Ảnh: SGGP).
Theo Bộ GTVT, hiện tại, dự án đã được bàn giao mặt bằng hơn 69km (đạt 96%). Còn lại khoảng 3,5km chưa bàn giao mặt bằng, nguồn vốn GPMB được giao trong năm 2024 là 173 tỷ đồng chưa tiến hành giải ngân.
Phần mặt bằng còn lại tập trung tại các vị trí chưa được GPMB từ giai đoạn trước khi dừng giãn, các vị trí nút giao tập trung đông dân cư, các vị trí giao cắt công trình hạ tầng kỹ thuật cần nhiều thủ tục, thời gian để thực hiện GPMB có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
"Về tình hình triển khai thi công, dự án khởi công từ tháng 12/2023, thời gian thực hiện dự án đến nay là 6/24 tháng theo hợp đồng.
Tuy nhiên, sản lượng mới đạt khoảng 11% giá trị hợp đồng, đáp ứng khoảng 82% kế hoạch chi tiết đã được chấp thuận của dự án, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong điều kiện mùa mưa sắp tới, dự án có nguy cơ chậm tiến độ", Bộ GTVT nhận định.
Đảm bảo tiến độ triển khai dự án, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các tiểu dự án GPMB để giải quyết dứt điểm các khó khan.
"Ban QLDA phải khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, xác định các hạng mục công việc thuộc đường gang (hạng mục đóng vai trò quyết định đến tiến độ) của gói thầu, các khó khăn, vướng mắc chính của từng gói thầu xây lắp, có phương án xử lý theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công tổ chức lập lại tiến độ thi công, kế hoạch giải ngân các tháng... phù hợp với điều kiện thời tiết khu vực; Huy động, bổ sung thêm máy móc, thiết bị, nhân lực để tăng mũi thi công, có phương án tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ và bù lại khối lượng chậm trong thời gian vừa qua", Bộ GTVT chỉ đạo.
Đơn vị quản lý dự án cũng được giao nhiệm vụ yêu cầu các bên liên quan có giải pháp tăng cường công tác đúc cấu kiện, thi công kết cấu cầu, cống trong thời điểm khu vực dự án bước vào mùa mưa.
Đối với các cấu kiện đúc sẵn trước thời điểm dừng giãn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chủ động nghiên cứu, đánh giá chất lượng, nguyên nhân chủ quan, khách quan, rà soát các hồ sơ nghiệm thu để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Cho biết dự án hiện có nhiều đoạn tuyến đã thi công lớp cấp phối đá dăm, Bộ GTVT cũng đề nghị đơn vị quản lý dự án khẩn trương chỉ đạo nhà thầu có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi để triển khai thảm bê tông nhựa bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Trong đó, đối với các vị trí mặt đường cấp phối đá dăm thi công trước khi dừng giãn đến nay đã hư hỏng, ngập nước, cần xử lý dứt điểm trước khi thi công thảm bê tông nhựa để đảm bảo chất lượng công trình.
"Về mỏ vật liệu xây dựng, các nhà thầu thi công cần chủ động trong việc tìm nguồn cung ứng, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phủ chủ động, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hỗ trợ nhà thầu trong công tác xác định nguồn cung cấp vật liệu", văn bản nêu.
"Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có tổng chiều dài gần 73km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với quốc lộ 22 đã được đầu tư).
Điểm đầu dự án tại Km 10+00 tại xã Trừ Văn Thố thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Điểm cuối khoảng Km 82+750 giao với quốc lộ N2 (nay là đường Hồ Chí Minh) thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường hơn 12m; bề rộng mặt đường hơn 11m. Giai đoạn hoàn chỉnh dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường hơn 32m.
Riêng công trình cầu, trên tuyến sẽ được đầu tư xây dựng 14 công trình cầu. Trong đó, 11 cầu tiếp tục thi công hoàn thiện và 3 cầu xây dựng mới (Trảng Bàng, An Hòa, Rạch Nhum).
Tổng mức đầu tư dự án là gần 2.300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành năm 2025."
Sưu tầm
Theo báo cáo của Sở GTVT Đồng Nai, dự án này UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn MIK Group Việt Nam làm nhà đầu tư lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Ngoài Vành đai 4 đang từng bước hoàn thiện thủ tục, hồ sơ liên quan thì hiện nay nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng đang triển khai đường Vành đai 3, nhiều hạng mục trên tuyến dần thành hình.
Đến nay, đơn vị này đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Công ty cũng đã trình Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định về tổng mức đầu tư hơn 19.151 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng hơn 9.575 tỷ đồng (chiếm 50%).
Về đầu tư cầu Thủ Biên sẽ do UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu triển khai. Với cầu Bàu Cạn nối Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu, hai địa phương đã thống nhất cây cầu này thuộc đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đồng Nai đề xuất được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác triển khai đầu tư công của dự án qua hai địa phương (ví dụ cầu Thủ Biên giữa địa bàn tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương và cầu kết nối giữa tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai dài 45,6km.
Tương tự, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có đề xuất nhiều cơ chế đặc thù để triển khai dự án như chính sách về khai thác vật liệu xây dựng, chính sách giải phóng mặt bằng giống như những dự án cao tốc trọng điểm quốc gia khác.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan. Trong đó, ở quý II/2024, tỉnh sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đến quý IV hoàn thành công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Từ quý II/2024 đến quý II/2025 dự kiến hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng một số hạng mục phụ trợ. Giai đoạn quý IV/2024 đến quý IV/2027 sẽ lựa chọn nhà đầu tư và triển khai dự án.
Để sẵn sàng cho dự án, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, trong đó bố trí kế hoạch vốn 1.600 tỷ đồng làm kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng.
Trước đó, ngày 17/4, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4, đề nghị các địa phương cân đối nguồn vốn để có thể chủ động triển khai ngay sau khi dự án được thông qua.
Phối cảnh một đoạn tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.
Trong văn bản, TP.HCM nêu rõ các địa phương đều thống nhất quy mô dự án có mặt cắt ngang (giai đoạn 1) tối thiểu 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy.
Đồng thời, thống nhất để TP.HCM chủ trì, cùng lựa chọn một đơn vị tư vấn rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ dự án; Sớm hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với vị trí giáp ranh kết nối giữa hai tỉnh như cầu Thủ Biên kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; Cầu Bàu Cạn kết nối giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM đề nghị các tỉnh chủ động trao đổi để thống nhất phương án đầu tư.
Theo kế hoạch, các địa phương sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án để sớm trình lên các bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội thông qua trong tháng 6/2024.
"Đường Vành đai 4 TP.HCM dài 206,8km đi qua 5 tỉnh, thành phố. Trong đó, đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7km; Đồng Nai: 45,6km; Bình Dương: 47,45 km; TP.HCM: 17,3km; Long An: 78,3km.
Giai đoạn 1 các địa phương sẽ đầu tư 4 làn cao tốc hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 105.964,6 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 33.095 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỷ đồng."
Sưu tầm
Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đối với một gói thầu thuộc dự án đường kết nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đây là gói thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, thiết kế bản vẽ thi công và lập mô hình quản lý BIM cho dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn từ QL56 đến nút giao Vũng Vằn.
Phối cảnh một nút giao trên tuyến đường giao thông kết nối nội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và Công ty CP IDECO Việt Nam với giá trúng thầu 87,281 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đơn vị đang thương thảo hợp đồng với Liên danh trúng thầu, dự kiến ký hợp đồng trong tháng 4 này.
Được biết gói thầu trên có 2 nhà thầu phụ là Công ty CP Tư vấn - Đầu tư xây dựng chiếu sáng và Cơ điện công trình và Công ty CP Xây dựng dịch vụ thương mại Phú Mỹ. Thời gian thực hiện hợp đồng 5 tháng.
Dự án đường kết nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu toàn tuyến có tổng chiều dài gần 16,5km với tổng vốn đầu tư hơn 13.900 tỷ đồng, dự kiến được khởi công vào tháng 10 tới.
Dự án này được chia làm 3 dự án thành phần và đi qua thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền và thành phố Bà Rịa.
Trong đó, dự án thành phần 1 là đoạn từ QL56 (thành phố Bà Rịa) đến vòng xoay Vũng Vằn (huyện Long Điền) có chiều dài 6,71km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành. Dự án thành phần này được phê duyệt tổng mức đầu tư 6.700 tỷ đồng.
Tương tự, dự án thành phần 2 đoạn từ vòng xoay Vũng Vằn (huyện Long Điền) đến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT994) thuộc địa phận phường 12 (thành phố Vũng Tàu) với chiều dài hơn 6,8km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành. Tổng kinh phí được phê duyệt gần 5.200 tỷ đồng.
Còn dự án thành phần 3 là đường trục chính Vũng Tàu, đoạn từ nút giao đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT994) đến nút giao vòng xoay đường 51B, 51C thuộc thành phố Vũng Tàu. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, tổng chiều dài khoảng 2,87km, dự kiến triển khai giai đoạn năm 2024 - 2028.
Sưu tầm
Sáng 16/4, tại công trường tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang), có 7 máy móc, thiết bị chuyên dùng và 20 công nhân đang đội nắng để thảm nhựa tại gói thầu số 4C do Công ty CP Tập đoàn Thành Huy phụ trách thi công.
Anh Nguyễn Văn Quang, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy cho biết: "Trong ba gói thầu thuộc tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang) thì gói thầu số 4C do Công ty CP Tập đoàn Thành Huy phụ trách được thảm nhựa đầu tiên".
Công nhân tất bật thi công trên công trường tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang).
Cũng theo anh Quang, công ty đề ra kế hoạch thi công theo kiểu "cuốn chiếu". Tức là dỡ tải được đoạn nào sẽ tổ chức cho công nhân thực hiện các phần việc tiếp theo như đắp xi măng đất, rải cấp phối đá dăm và thảm nhựa…
"Trong ngày đầu thảm nhựa, sẽ thực hiện khoảng 300m. Sau đó, đợi khi kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng sẽ cho thảm nhựa đại trà các đoạn đường đã thực hiện xong các công đoạn liên quan", anh Quang nói.
Anh Quang cho biết thêm, đến ngày 30/4 tới, gói thầu do Công ty CP Tập đoàn Thành Huy thực hiện sẽ hoàn thành việc dỡ tải. Lúc này, công ty sẽ cho tất cả công nhân tập trung thi công với mục tiêu bàn giao dự án vào ngày 31/5 tới.
"Việc thực hiện công đoạn thảm nhựa trên công trường tuyến tránh thành phố Long Xuyên rất được người dân đồng tình, ủng hộ. Do vậy, việc thi công của công nhân trên công trường đảm bảo theo kế hoạch đề ra", anh Quang thông tin.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 612, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 352 và Quyết định số 2095.
Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Long Xuyên nói riêng và của tỉnh An Giang nói chung.
Người dân mong chờ tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang) sớm được đưa vào khai thác.
Ông Nguyễn Văn Hên (60 tuổi, ngụ thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, với áp lực xe cộ rất lớn trong nội ô thành phố Long Xuyên nên từ khi bắt đầu khởi công xây dựng tuyến tránh thành phố Long Xuyên, ông và nhiều người dân rất vui mừng.
Ông Hên chia sẻ: "Hôm trước, qua thông tin trên báo chí, tôi thấy tuyến tránh thành phố Long Xuyên được đưa vào sử dụng tháng 7/2024. Nhưng sau đó, thông tin đưa thêm là sẽ rút ngắn thời gian lại hai tháng, tức là 31/5 tới là khai thác tuyến tránh nên tôi rất phấn khởi".
"Mấy ngày nay đi tới đi lui đoạn đường đang thi công, thấy các nhà thầu cho công nhân làm việc xuyên suốt, trong đó có ban đêm trên công trường tuyến tránh thành phố Long Xuyên để gấp rút đưa dự án vào sử dụng tôi phấn khởi lắm.
Bởi sau khi dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng thì việc lưu thông sẽ thuận tiện, dễ dàng. Đặc biệt là giảm áp lực xe cộ trong nội ô thành phố Long Xuyên", ông Phan Văn Út (50 tuổi, ngụ thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) nói.
Công ty Cổ phần Nhựa đường Thiết bị Giao thông – tên giao dịch quốc tế : Bitumen Equipment Supply for Transportation (BEST). Được thành lập từ năm 2009, trải qua quá trình phát triển, BEST đã đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất và xây dựng chiến lược kinh doanh để trở thành một trong số các nhà cung ứng nhựa đường hàng đầu tại Việt Nam.