Đối với địa phương, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông được xem như đầu tư chiến lược dài hạn, cũng là nguồn vốn mồi thúc đẩy phát triển.
Những ngày này, tranh thủ nắng ráo các nhà thầu trên công trường thi công nút giao Phú Thứ (phường Lam Hạ, TP Phủ Lý) đang nỗ lực thi công đào đắp nền đường để bù cho những ngày mưa trước đó.
Kỹ sư Hồ Minh Hạnh - Chỉ huy trưởng công trường nhà thầu Vinaconex cho biết: "Tuy mới chỉ nhận mặt bằng từ ngày 12/6 vừa rồi, nhưng chúng tôi đã huy động đủ 11/11 mũi thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư. Trên công trường hiện có trên 50 đầu phương tiện, thiết bị, với 100 kỹ sư công nhân làm việc. Chúng tôi đang ưu tiên thực hiện đào đắp hữu cơ đồng thời trên 2 tuyến đường bên dài 1,7km mỗi bên; chuẩn bị công trường để thi công hệ thống cống hộp, cống tròn và tường chắn".
Nút giao Phú Thứ - công trình nút giao đa tầng hiện đại bậc nhất khu vực có tổng mức đầu tư là 1.390 tỷ
Theo kỹ sư Hạnh, dự án này có đặc thù là nút giao đa tầng. Ở giai đoạn 1, tỉnh Hà Nam đầu tư thi công trước hệ thống đường bên để nối với đường vành đai 5 vùng thủ đô sau này và làm hầm chui cho cao tốc Bắc - Nam. Giai đoạn 2 mới triển khai nút giao và cầu vượt liên thông với vành đai 5. Để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác của tuyến cao tốc hiện hữu, chúng tôi ưu tiên làm trước hệ thống đường bên, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2024, sau đó thông chuyển cao tốc đi sang đường bên, rồi mới triển khai hạ cốt, làm hầm chui cao tốc.
"Do thời gian gấp gáp, trong khi phải mất thời gian xử lý nền đất yếu, nên Ban và tư vấn đã nghiên cứu cho chuyển phương án thi công từ làm giếng cát sang làm cọc xi măng đất. Cách này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhưng lại rút ngắn thời gian chờ lún xuống chỉ còn 28 ngày (rút ngắn hơn từ 3 - 5 tháng). Tổng giá trị sản lượng đến nay đã đạt 90/205 tỷ đồng, vượt tiến độ dự kiến khoảng 1 tháng", kỹ sư Hạnh vui mừng nói.
Dù mới thi công chưa lâu, nhưng các nhà thầu đã huy động đủ máy móc thiết bị phục vụ dự án.
Ở phía Tây đường cao tốc, nhà thầu Trung Chính cũng đang tập trung cao độ trong công tác đào đắp đường bên ở phía Tây cao tốc. Do còn vướng mặt bằng, cộng với phần việc tập trung ở các hạng mục sau của giai đoạn 1, nên sản lượng thấp hơn tuy nhiên vẫn đảm bảo tiến độ được giao.
Ở Dự án đường liên kết vùng nối các xã huyện Thanh Liêm qua nút giao Liêm Sơn lên đền Trần Thương (Lý Nhân) và nối sang đền Trần (Nam Định), các nhà thầu Tập đoàn Xuân Thành, Công ty Đại Phong, Vinaconex, Tập đoàn Cường Thịnh Thi cũng đang không ngừng đua tiến độ. Các đoạn tuyến được triển khai đồng thời trên toàn tuyến. Giá trị sản lượng đến nay đạt 700/1.900 tỷ đồng (tổng dự án 3.600 tỷ đồng. Số tiền tỉnh đã bố trí 1.900 tỷ đồng).
Tuyến đường liên kết vùng nối đường vành đai 4 với đường vành đai 5 đoạn qua huyện Kim Bảng.
Còn dự án Đường song hành với QL21 đã giải ngân được 90/100 tỷ đồng (nguồn vốn kế hoạch sau điều chỉnh từ 600 tỷ giảm xuống 100 tỷ năm 2023). Ngoài ra, còn có một số dự án được UBND huyện Thanh Liêm và Kim Bảng làm chủ đầu tư, như: cầu Tân Lang và đường liên kết vùng nối đường vành đai 4 với vành đai 5; dự án đường nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính; đường trục chính huyện Thanh Liêm...
Theo tìm hiểu của PV, các dự án kể trên đều là công trình giao thông đặc biệt quan trọng đối với Hà Nam. Nó không chỉ có ý nghĩa trong việc giải tỏa sức ép hạ tầng giao thông cho địa phương mà nó còn tạo ra sự kết nối, làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế.
"Mọi người vẫn nói vui, nếu như không làm nút giao Phú Thứ thì Hà Nam chỉ có đứng dưới mà nhìn xe đi cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai 5 vùng Thủ Đô (tương lai). Nút giao này sẽ tạo thêm nhánh kết nối, thông trục giao thông Đông - Tây tạo cân bằng giữa các vùng kinh tế của tỉnh. Mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho vùng phía Đông tỉnh đang còn chưa được khai thác hết tiềm năng", ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam, dẫn giải lý do Hà Nam quyết tâm làm sớm nút giao Phú Thứ.
Các nhà thầu ở Hà Nam đang gặp khó khăn do tỉnh này không có mỏ đất, trong khi giá vật liệu như cát, cấp phối đá dăm lại cao hơn dự toán.
Theo ông Thắng, các dự án giao thông tỉnh triển khai đều đang đảm bảo tiến độ đề ra. Vấn đề khó khăn chung của các dự án vẫn là mặt bằng. Như dự án nút giao Phú Thứ hiện còn vướng nghĩa trang và nhà của 20 hộ dân (xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý) đang trong quá trình làm thủ tục tái định cư; dự án đường liên kết vùng còn 8/27km mặt bằng xôi đỗ vì chờ định giá đất... Để thực hiện các dự án, tỉnh và chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị, quy hoạch trước các khu tái định cư, tuy nhiên khi vào triển khai thực tế mới phát hiện có nhiều vướng mắc khó khăn hơn, nhất là việc định giá đất. Hiện, tỉnh và các địa phương đều đang tập trung giải quyết.
Vấn đề khó khăn chung thứ hai của Hà Nam hiện nay là vật liệu. Cả tỉnh không có mỏ đất nào, muốn có đất đắp thì phải mua từ các tỉnh lân cận hoặc tận thu đất pha đá từ quá trình cải tạo các mỏ đá. Cùng đó là việc khan hiếm cấp phối đá dăm, cát.
"Tuy Hà Nam là có vùng mỏ đá dồi dào ở khu vực Thanh Liêm, Kim Bảng. Tuy nhiên, do tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận đồng loạt triển khai các dự án dẫn đến đá khai thác xay không kịp cung ứng, đội giá,... các nhà thầu phải ăn đong, mua đắt. Còn giá thành cát đảm bảo đầy đủ hóa đơn, giấy tờ thì rất đắt", ông Thắng cho biết.
"Có dự án giá cát dự toán là 137.000 đồng/m3, cấp phối đá dăm từ 157.000 - 167.000 đồng/m3 nhưng nhà thầu đang phải mua cát với giá 210.000 đồng/m3, cấp phối đá dăm giá 250.000 đồng/m3. Hiện, nhà thầu và Ban đang kiến nghị lên tỉnh để tỉnh chỉ đạo các sở ngành tổ chức khảo sát cập nhật lại báo giá vật liệu xây dựng liên sở, sao cho sát giá thị trường", kỹ sư Hạnh nêu ví dụ.
Trong quá trình triển khai dự án, để đảm bảo chất lượng dự án, ngoài các tư vấn giám sát, Ban QLDA ĐTXD tỉnh Hà Nam còn lập các tổ tư vấn với sự tham gia của các phòng ban nội nghiệp để theo dõi, giám sát với từng dự án. Ngoài ra, định kỳ mỗi tháng một lần lãnh đạo tỉnh sẽ đi kiểm tra, họp kiểm điểm tiến độ từng dự án.
Với tiến độ thi công hiện nay, dự kiến công trình đường liên kết vùng sẽ về đích vào đầu năm 2025. Còn nút giao Phú Thứ, tỉnh dự kiến hết năm 2025 hoàn thành, nhưng nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025, để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Sưu tầm
Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu đầu tiên được lựa chọn thi công xây lắp gói thầu XL1 trị giá hơn 680 tỷ đồng thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh vừa thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, chấp thuận E-HSDT và trao hợp đồng gói thầu XL1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Dự kiến, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà được khởi công trong năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 (Ảnh minh hoạ).
Theo đó, Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu được lựa chọn thi công gói XL1: Thi công xây dựng đoạn Km 10+000 - Km 41+150 (bao gồm cầu Kênh Phước Hòa, cầu Cây Trường, cầu Bà Tứ, cầu Thị Tính, cầu Suối Tre, cầu Thanh An).
Gói thầu có giá trị xây lắp hơn 680 tỷ đồng, loại hợp đồng đơn giá điều chỉnh và thời gian thực hiện hợp đồng là 730 ngày.
Trao đổi thêm với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án đầu tư xây dựng đoạn Chơn Thành - Đức Hoà gồm 3 gói thầu xây lắp.
Đối với gói thầu XL01, sau khi có kết quả, đơn vị QLDA đã thông báo đến doanh nghiệp trúng thầu và báo cáo, xin ý kiến Bộ GTVT về thời gian khởi công chính thức.
"Hai gói thầu xây lắp còn lại đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến, khoảng gần 1 tháng tới, kết quả trúng thầu sẽ được công bố", đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thông tin.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà dự án có tổng chiều dài gần 73km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với quốc lộ 22 đã được đầu tư), đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, và Long An. Đây là 4 trong 8 tỉnh và thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường hơn 12m; bề rộng mặt đường hơn 11m. Giai đoạn hoàn chỉnh dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường hơn 32m. Tổng mức đầu tư dự án là gần 2.300 tỷ đồng.
Dự án này được khởi công vào năm 2009. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án bị đình hoãn thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24/2/2011) của Chính phủ và Chỉ thị số 1792 ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội.
Đến nay, dự án được tái khởi động với mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, góp phần chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam Bộ, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
"Tập đoàn Đèo Cả hiện là một trong những nhà đầu tư, thi công xây lắp các công trình hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam với năng lực tham gia thi công loạt công trình quy mô trên cả nước như: hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Phú Gia - Phước Tượng, các hầm Thung Thi, Trường Vinh trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.
Đây cũng là đơn vị đã giải cứu thành công các tuyến cao tốc bị đình trệ nhiều năm như: Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hiện nay, Đèo Cả đang là nhà đầu tư, thi công dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, là đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong (gói thầu XL01), sân bay Long Thành (gói thầu 6.12)…"
Sưu tầm
Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ảnh internet)
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, xử lý các bất cập về tổ chức giao thông trên một số tuyến đường bộ cao tốc.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an về việc khắc phục những bất cập hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo về chủ trương và lộ trình dự kiến để nâng cấp, mở rộng đối với các dự án đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Hà Nội - Thái Nguyên, Cam Lộ - La Sơn.
Đối với các vấn đề cần khắc phục bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến đường đang khai thác, tuyến cao tốc được đưa vào khác thác tạm, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, có trách nhiệm rà soát, sớm xử lý các bất cập về tổ chức giao thông theo quy định.
Cụ thể có 17 tuyến cao tốc được Bộ GTVT yêu cầu khắc phục bất cập về tổ chức giao thông gồm: Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Móng Cái, Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm.
Về bàn giao đưa công trình đường cao tốc đang khai thác tạm vào khai thác chính thức, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, hoàn thành công trình và phối hợp với Cục Đường bộ VN triển khai thủ tục bàn giao, tiếp nhận đưa công trình vào vận hành khai thác chính thức.
Cục Đường bộ VN báo cáo Bộ GTVT việc tổ chức tiếp nhận các công trình đã nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào vận hành sử dụng theo quy định pháp luật về xây dựng; trường hợp chưa tiếp nhận được thì nêu rõ lý do, kế hoạch tiếp nhận.
"Các cơ quan, đơn vị nêu trên báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT trước ngày 5/11/2023, trong đó nêu rõ các nội dung đã được xử lý theo quy định, các nội dung chưa xử lý, các nội dung cần có thời gian xử lý", Bộ GTVT yêu cầu.
Trước đó, Bộ Công an đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về rà soát 11 tuyến cao tốc trên cả nước có các vấn đề, nguy cơ mất an toàn.
7 tuyến cao tốc thuộc diện thiếu an toàn, theo thống kê của Bộ Công an, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45; Nội Bài - Lào Cai; Trung Lương - Mỹ Thuận; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Nha Trang - Cam Lâm; Hà Nội - Thái Nguyên và Cam Lộ - La Sơn.
Các vấn đề được Bộ Công an chỉ ra như cao tốc không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập như hàng rào chưa khép kín, nguy cơ người và động vật xâm nhập vào cao tốc.
Bên cạnh đó, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm phát sinh khói bụi, cản trở tầm nhìn do vừa khai thác vừa thi công. Một số tuyến cao tốc không còn an toàn do đã xuống cấp, hằn lún như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn La Sơn - Cam Lộ.
Từ kết quả rà soát, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT khắc phục các bất cập và có lộ trình nâng cấp 7 tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn an toàn; có lộ trình xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông trên đường cao tốc.
Bộ Công an cũng đề nghị kết nối hệ thống camera giám sát cao tốc vào trung tâm thông tin chỉ huy của Cục CSGT nhằm phối hợp giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh.
Sưu tầm
Dự lễ khởi công có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, cùng các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Các đại biểu bấm nút khởi công đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh khu vực miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang nói riêng.
Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; trở thành trục giao thông kết nối nhanh, thuận lợi, giải quyết được những điểm nghẽn về giao thông liên vùng từ Thủ đô Hà Nội qua tỉnh Tuyên Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, dự lễ khởi công.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (chủ đầu tư dự án), đến giữa tháng 10/2023, công tác GPMB vẫn đang được các chủ đầu tư tiểu dự án triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Đoạn qua TP Tuyên Quang đã kiểm kê được 254/256 hộ, huyện Yên Sơn đã kiểm kê được 470/553 hộ, huyện Hàm Yên đã kiểm kê được 1.600/1.604 hộ.
Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn đi qua Tuyên Quang sử dụng 590,8ha chủ yếu là đất lúa và đất rừng. Đến nay, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang chờ được các bộ liên quan hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2023.
Dự án nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, tăng tính kết nối liên vùng, tạo lập không gian phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại lễ khởi công.
Quy mô giai đoạn 1 với 2 làn xe cơ giới; 7 nút giao liên thông và 3 nút giao bằng; 91 hầm chui; 22 cầu trên đường cao tốc, cầu trên nhánh nút giao liên thông vượt đường cao tốc và cầu vượt. Quy mô giai đoạn 2 dự kiến 4 làn xe cơ giới. Tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng, trong đó: 4.497,17 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương; 2.302,83 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
"Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, tỉnh Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành Trung ương; cùng với đó là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, các địa phương có đường đi qua và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân", ông Sơn cho biết thêm.
Biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang và các đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ để khởi công dự án. Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao tinh thần của nhân dân nhường đất sản xuất, đất ở, di dời nhà cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án.
Việc khởi công mới chỉ là kết quả bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức, Phó thủ tướng đề nghị các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần nỗ lực, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho dự án.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu phát động lễ khởi công
Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Tuyên Quang tập trung quyết liệt chỉ đạo thi công đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn, tránh lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước đi đôi với bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý đảm bảo đúng tiến độ; thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, tái định cư ổn định đời sống cho cho nhân dân.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, đầu tư hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng để thực hiện chủ trương lớn của Đảng. Chính phủ sẽ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dự án này, cũng như các dự án phát triển hạ tầng khác đúng tiến độ, chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Trước đó, cuối tháng 5/2023, tỉnh Hà Giang cũng đã tổ chức khởi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn đi qua tỉnh Hà Giang với chiều dài 27,5km.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái tặng quà cho công nhân thi công cao tốc.
Tổng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có chiều dài gần 105km, quy mô hai làn xe, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Dự án này vừa được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Sưu tầm
Công ty Cổ phần Nhựa đường Thiết bị Giao thông – tên giao dịch quốc tế : Bitumen Equipment Supply for Transportation (BEST). Được thành lập từ năm 2009, trải qua quá trình phát triển, BEST đã đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất và xây dựng chiến lược kinh doanh để trở thành một trong số các nhà cung ứng nhựa đường hàng đầu tại Việt Nam.