(ANTV) - Có thể nói, giao thông là một phần bộ mặt đô thị, nó tạo ra những ấn tượng đầu tiên cho du khách khi mới đặt chân tới một đất nước. Vậy giao thông Việt Nam đã để lại ấn tượng như thế nào đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Giao thông ở Việt Nam có gì đáng sợ
Anh Johnny - Du khách đến từ Australia cho biết: Tôi thấy giao thông ở Việt Nam khá điên rồ, xe cộ ở khắp mọi nơi không theo cấu trúc gì, nhưng mọi người vẫn có thể di chuyển được.
Chị Shanon Du khách đến từ Australia: Mọi người đi không có trật tự gì, nhưng có vẻ mọi thứ vẫn ổn.
Bà JILL người Anh: Tôi rất thích Việt Nam và tôi cũng thấy vui khi tận hưởng những ngày ở đây, nhưng giao thông thì không thú vị lắm, mà rất mang tính thử thách.
Cảm nhận khi sang đường ở Việt Nam
Chị Shanon - Du khách đến từ Australia: Tôi cảm thấy khá sợ khi phải sang đường, vì chúng tôi sẽ phải tránh né các phương tiện.
Bà JILL người Anh: Cảm giác băng qua đường rất thú vị. Mọi người đi ở cả 2 làn đường và trông họ luôn có vẻ bận rộn vội vã. Ban đầu tôi còn cảm thấy sợ và sốc, nhưng bây giờ tôi thấy việc này khá vui, hào hứng và buồn cười. Điều này cũng giúp tôi có phản xạ tốt hơn và có kinh nghiệm trong việc né tránh.
Giao thông Việt Nam có gì khác so với các nước trên thế giới
Bà JILL người Anh: Giao thông ở Việt Nam hoàn toàn khác nước tôi. Ở đây có nhiều xe máy hơn và cũng có cả ô tô nữa, có lẽ bởi Hà Nội là một thành phố khá cổ, có nhiều đường phố chật hẹp đặc biệt trên phố cổ. Đôi khi đường phố rất đông đúc, nhưng tôi thấy các tài xế ở Hà Nội là những người lái xe rất tốt khi họ tránh được nhau.
Chị Shanon Du khách đến từ Australia: Tôi thấy giao thông Việt Nam không giống gì ở nước chúng tôi. Ở đây dù có phân chia cấu trúc các làn khá rõ ràng, nhưng xe máy và xe đạp vẫn đi vào làn dành cho ô tô. Ngoài ra, đường sá ở Australia thoáng hơn, bạn có thể biết được khi nào có thể băng qua đường một cách an toàn.
( Người nước ngoài cảm thấy e sợ mỗi khi sang đường ở Việt Nam)
Giải pháp nào cho giao thông tại Việt Nam
Bà JILL người Anh: Tôi thấy ở một số thành phố khác người ta hạn chế lượng phương tiện tham gia giao thông vào khu vực trung tâm, thậm chí hạn chế số ngày, số giờ mà phương tiện được phép lưu thông trên đường, hoặc đánh thuế cao hơn cho các tài xế, hoặc cho phép xe tham gia giao thông tùy theo biển số. Xe nào to mà chỉ có 1 người ngồi trong thì phải đánh thuế. Tôi nghĩ việc hạn chế phương tiện tham gia giao thông theo biển số là một phương pháp đơn giản, không tốn kém mà đem lại hiệu quả cao.
Ấn tượng của anh Osama - người Ai Cập về những ngày đầu khi mới tham gia giao thông ở Hà Nội đó là đường phố có quá nhiều xe máy và hình như chỉ có mỗi xe máy... Với anh, mỗi lần sang đường giữa dòng xe cộ nườm nợp ở thủ đô là một cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm mà bản thân chưa từng được "trải nghiệm" tại nước mình.
Tuy nhiên, sau một thời gian làm quen với môi trường giao thông tại Việt Nam, Osama đã học được cách lái xe máy hay dùng còi xe thành thục để "giao tiếp" trên đường phố như người bản địa, đi qua đoạn cua khuất hay phi từ ngõ ra đường lớn mà không cần lo lắng quá nhiều. Thậm chí, Osama còn học được thói quen không tốt là di chuyển xe máy trên vỉa hè, lý do rất đơn giản phương tiện giao thông dưới lòng đường quá đông và đi tắt trên vỉa hè thì sẽ nhanh hơn.
Thực tế, cũng đã có không ít người nước ngoài kém may mắn bị thương thậm chí là thiệt mạng khi không thể thích ứng với những con đường, tuyến phố tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra để lý giải cho tình trạng này, trong đó không thể không kể tới nguyên nhân xuất phát từ sự lộn xộn và bất tuân pháp luật khi tham gia giao thông của 1 bộ phận người dân.
Sưu tầm ( HLĐ)