Ba dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư 3 dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.
Theo đó, trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông, Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội sớm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ với hệ thống hạ tầng đường sắt. Trước mắt, Hà Nội lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư; chú ý huy động các nguồn lực (kể cả bằng hình thức hợp đồng BOT) để xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - sân bay Nội Bài và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm đảm bảo kết nối thống nhất toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội (kết nối giữa các nhà ga, các đoàn tàu và trung tâm quản lý điều hành); khi kết nối các tuyến đường sắt phải bảo đảm về kỹ thuật và an toàn.
Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội, hiện đang vào các công đoạn cuối cùng trên công trường. Ảnh: Giang Huy |
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu quá trình thực hiện các dự án đầu tư phải đảm bảo giảm thiểu tác động, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng hiện có, đặc biệt là các công trình di sản, công trình quan trọng và đảm bảo an toàn trong quá trình đầu tư xây dựng.
Các bộ ngành liên quan được giao phối hợp với Hà Nội thực hiện quy trình, thủ tục để Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp cuối năm nay.
Trước đó, UBND TP Hà Nội có tờ trình đề nghị Thủ tướng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, cụ thể: Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc - Ba Vì và tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai là đặc biệt cần thiết.
Về phương án cân đối nguồn lực đầu tư các dự án ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép huy động từ 6 nguồn trong thời gian 8 năm (2018-2025) là 135.000 tỷ đồng. Các nguồn gồm: Tiết kiệm chi thường xuyên; tăng thu ngân sách thành phố; nguồn thu từ cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020; bán nhà chuyên dùng, trụ sở các sở, ngành; đấu giá quyền sử dụng đất; phát hành trái phiếu bổ sung thêm nguồn.
Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thành phố để lại toàn bộ các khoản vượt thu hằng năm, số thu từ cổ phần hóa từ trước năm 2017 để đầu tư cho dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.
Sưu tầm (HLĐ)