Theo các chuyên gia giao thông, dứt khoát không để lọt những nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm vào dự án chỉ với mục đích học việc...
Hai dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn (đường băng) sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được Bộ GTVT rốt ráo đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, tiến tới triển khai xây dựng vào cuối tháng 6/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong văn bản hỏa tốc của Bộ GTVT phát đi hôm qua (19/5) gửi đến Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu hai đơn vị này tổ chức xây dựng trình tự và kế hoạch thực hiện đối với hai dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài (Ban QLDA Thăng Long) và Tân Sơn Nhất (Tổng Công ty Cửu Long) phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.
Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long căn cứ tính chất kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án đề xuất phân chia các gói thầu và xây dựng quy trình, tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, cập nhật thông tin các nhà thầu đã tham gia thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô, tính chất kỹ thuật tương tự các hạng mục công việc của dự án, văn bản xin tham gia của các nhà thầu để dự kiến danh sách nhà thầu (tư vấn, xây lắp) theo trình tự và kế hoạch thực hiện đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia giao thông cho rằng, hai dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là những công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp, việc áp dụng hình thức giao thầu là phù hợp để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hiệu quả công trình. Tuy nhiên, việc giao thầu (tư vấn, xây lắp) phải thực hiện đúng quy định, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài chính để triển khai, dứt khoát không để lọt những nhà thầu yếu kém tham gia vào dự án.
Theo phân tích của chuyên gia, đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có cấp cao nhất trong cả nước hiện nay. Điều kiện triển khai hai dự án này cũng rất đặc biệt khi vừa thi công, vừa phải đảm bảo an toàn khai thác hàng không. Hơn nữa, thời gian hoàn thành giai đoạn 1 của cả hai dự án rất gấp chỉ trong vòng 4-5 tháng, kết thúc vào tháng 12/2020.
Do vậy, để đảm bảo các yêu cầu trên, khi áp dụng hình thức giao thầu, cơ quan có thẩm quyền cần “chọn mặt gửi vàng” đối với đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm từng tham gia nhiều dự án tương tự, đặc biệt là những nhà thầu đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống máy móc, thiết bị và nhân lực.
“Đây là hai công trình làm theo lệnh khẩn cấp, yêu cầu kỹ thuật khắt khe, dứt khoát không để lọt những nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm vào dự án chỉ với mục đích học việc, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng, năng lực tài chính của các nhà thầu cũng cần được cơ quan chức năng xem xét, rà soát kỹ lưỡng. Bởi, theo tính toán ban đầu của đơn vị tư vấn, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.218 tỷ đồng và Tân Sơn Nhất là 2.058 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn đầu tư cho hai dự án trong năm 2020 chỉ khoảng 828 tỷ đồng.
“Để hoàn thành giai đoạn 1 của hai dự án trong năm 2020, nguồn vốn đã được cấp cho dự án chắc chắn sẽ không đủ, do đó, nhà thầu được giao thầu phải có tiềm lực về tài chính mạnh để đảm bảo tiến độ thi công dự án đúng yêu cầu”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo Bộ GTVT, hiện nay, tần suất khai thác tại các đường cất hạ cánh tại CHKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã vượt tần suất tính toán theo thiết kế; đang khai thác với tần suất lớn các loại tàu bay thế hệ mới như A350-900, B787-9 (10), B777-9 có tải trọng bánh đơn và áp suất bánh hơi tác dụng đến mặt đường lớn hơn các loại tàu bay tính toán, dẫn đến các đường cât hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không bị xuống cấp ngày càng nhanh, ảnh hưởng lớn đến an toàn hoạt động khai thác; đồng thời công tác duy tu đang thực hiện tại 2 cảng hàng không trên chỉ đảm bảo duy trì khai thác. Nếu không có các giải pháp tổng thể, đồng bộ sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng hư hỏng, bong bật mặt đường đột xuất khi tàu bay lăn, cất hạ cánh, tạo ra FOD (vật thể lạ) va chạm vào tàu bay, gây hư hỏng cháy nổ, ảnh hưởng đến an toàn bay, có thể phải đóng cửa đường cất hạ cánh bất cứ lúc nào để sửa chữa.
Sưu tầm (HLĐ)