Hỗ trợ trực tuyến

Kinh doanh
Điện thoại: 
024.3557.8619
CSKH:
024.3553.5888

Hotline Miền Bắc 
Mr Đỗ Đình Hùng  : 0918 582 088

Hotline Miền Nam
Mr Lê Anh Vũ  : 0918 872 188

Giỏ hàng

Giỏ hàng trống

Thống kê truy cập

1802185
Hôm nay
Trong tuần
Trong tháng
Tổng cộng
941
4785
18961
1802185
Quản trị

Quản trị

Tuyến đường Mê Pu - Đa Kai sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ huyện Đức Linh, Tánh Linh kết nối QL20 đi Đồng Nai, Lâm Đồng.

Ngày 30/11, ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết, đã lựa chọn được nhà thầu thi công dự án nâng cấp mở rộng đường Mê Pu - Đa Kai kết nối hai huyện Đức Linh (Bình Thuận) và Tân Phú (Đồng Nai).

Nhiều năm nay, tuyến đường Mê Pu - Đa Kai (huyện Đức Linh) bị hư hỏng nặng khiến người dân đi lại vô cùng khó khăn.

Bình Thuận: Mở rộng 14,5km đường kết nối Đồng Nai - Ảnh 1.

Đường Mê Pu - Đa Kai xuống cấp nặng sau nhiều năm đưa vào khai thác.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị tỉnh xin sửa đường. Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án. Qua đấu thầu gói thầu số 4 xây lắp toàn bộ công trình đã chọn lựa được nhà thầu.

"Sau khi hoàn thành việc nâng cấp mở rộng, tuyến Mê Pu - Đa Kai sẽ kết nối với các tuyến ĐT 717 (huyện Tánh Linh), ĐT 766 (huyện Đức Linh) ra QL20 qua huyện Tân Phú (Đồng Nai). Nhà thầu đang huy động thiết bị, nhân sự máy móc đến công trường, giữa tháng 12 sẽ thi công đồng loạt trên tuyến", ông Hiền thông tin.

Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng đường Mê Pu - Đa Kai có chiều dài khoảng 14,5km, chiều rộng mặt đường 8m, chiều rộng lề đường mỗi bên 0,5m.

Kết cấu mặt đường bê tông nhựa, lề đắp đất. Trên tuyến đầu tư xây dựng làm mới hai cầu Đa Kai tại Km 7+700 và cầu Đa Kai 2 tại Km 8+510, chiều rộng cầu 12m. 

Tổng mức đầu tư hơn 149 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh. Đơn vị trúng thầu là Công ty CP Xây dựng và Thương mại Việt Hoa, thời gian thi công dự kiến hai năm.

Sưu tầm

Ba tuyến QL53, QL62, QL91B sau khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn 9.300 tỷ đồng đầu tư nâng cấp 3 tuyến quốc lộ ở Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 1.

Một đoạn QL62 qua địa bàn tỉnh Long An (Ảnh: internet).

Bộ GTVT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Trần Lưu Quang về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Các tuyến quốc lộ được Bộ GTVT đề xuất gồm: QL53, QL62 và QL91B nằm trên địa bàn các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Thời gian thực hiện là 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2024 - 2027).

Theo đó, đối với QL53, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp cầu Ngã Tư (Km 7+820 - Km 8+730); đoạn Long Hồ - Ba Si (Km 11+295 – Km 56+180) với tổng chiều dài đầu tư khoảng 41km, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.

Các đoạn tuyến được nâng cấp, cải tạo sẽ đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe, 2 làn xe thô sơ và lề đường rộng mỗi bên rộng 0,5m.

Đối với QL62, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp đoạn từ Km 4+200 (nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) đến Km74 với chiều dài đầu tư khoảng 69km, trên địa bàn tỉnh Long An.

Tuyến được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và lề đường rộng mỗi bên 0,5m. Một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ đã đảm bảo quy mô giữ nguyên theo hiện trạng.

Đối với QL91B, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp đoạn Km 2+604 (ngã 5 cầu Cần Thơ) - Km 143+480 với chiều dài đầu tư khoảng 141km, trên địa bàn thành phố Cần Thơ, các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Tuyến được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Những đoạn có nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m thì giữ nguyên quy mô và tăng cường mặt đường. Những đoạn nền đường chưa đảm bảo quy mô sẽ được đầu tư để đặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và lề đường rộng mỗi bên 0,5m; một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ đã đảm bảo quy mô giữ nguyên theo hiện trạng.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 9.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 390 triệu USD. 

Trong đó, vốn vay của WB gần 6.300 tỷ đồng (tương đương hơn 263 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế, chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế, chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.

Vốn đối ứng là hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương hơn 127 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: Chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác, chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo Bộ GTVT, các QL52, QL62 và QL91B sau khi nâng cấp, cải tạo có thể đưa vào khai thác độc lập, không phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành từng quốc lộ. Do đó, để thuận lợi cho quá trình triển khai và sớm đưa vào khai thác, Bộ GTVT đề xuất phân chia thành 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 - nâng cấp, cải tạo QL53; Dự án thành phần 2 - nâng cấp, cải tạo QL62; Dự án thành phần 3 - nâng cấp, cải tạo QL91B.

Bộ GTVT cho biết, dự án sau khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực các tỉnh, thành phố: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sưu tầm

Tuyến đường có chiều dài 17,7km do Công ty CP LIZEN thi công. Tổng mức đầu tư lên đến 1.504,6 tỷ đồng.

Ngày 22/11, UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Lễ khởi công Gói thầu số 01 Dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Hưng Yên: Khởi công gói thầu 1.500 tỷ Dự án đường song hành thuộc tuyến Vành đai 4 - Ảnh 1.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Hưng Yên thuộc Dự án đường Vành đai 4.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày16/6/2022. Trong đó, tỉnh Hưng Yên được Quốc hội giao chủ quản 2 dự án thành phần, gồm: DA 1.2 ( GPMB) và DA 2.2 ( xây dựng đường song hành) thuộc Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội. Tổng chiều dài tuyến đường qua địa phận tỉnh Hưng Yên là 19,3km, đi qua 4 huyện: Văn Giang (dài 10,2km), Khoái Châu (dài 0,57km).Yên Mỹ (dài 2,5km), Văn Lâm (dài 6,6km).

Đường được đầu tư quy mô khi hoàn thiện gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên. Giai đoạn đầu khai thác phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe (nền rộng 17m, cầu rộng 17,5m) và đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường bên) với quy mô 2 làn xe một bên (bề rộng nền đường mỗi bên 12m). Tổng mức đầu tư 2 dự án là 5.244,5 tỷ đồng, bao gồm: 3.739,9 tỷ đồng GPMB (nguồn vốn Trung ương), 1.504,6 tỷ đồng xây dựng đường song hành (vốn địa phương).

Hưng Yên: Khởi công gói thầu 1.500 tỷ Dự án đường song hành thuộc tuyến Vành đai 4 - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - Trần Quốc Văn tin tưởng với năng lực, kinh nghiệm tích lũy qua các công trình, nhà thầu LIZEN sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Báo cáo sơ bộ về tiến độ thực hiện Dự án thành phần 1.2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Trần Minh Hải - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hưng Yên, cho biết: Dự án thành phần 1.2 đã được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 7/6/2023. Đến nay, đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật nổ trên phần diện tích đất nông nghiệp và đất công (phần diện tích đất ở và đất doanh nghiệp sẽ được rà phá sau khi được GPMB). 

Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB diện tích đất nôngnghiệp, đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây 110kV, 220kV, 500kV. Diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư: 193,6/230,2ha đạt 84,1%. Giải ngân đạt 809/1.928,7 tỷ đồng (đạt 42%) kế hoạch vốn 2023.

Song song với đó, các địa phương đang tổ chức xây dựng 11 khu tái định cư đất ở, 7 khu nghĩa trang mới. Đến nay đã cơ bản phê duyệt xong các dự án xây dựng khu TĐC và đang tổ chức lập, thẩm định hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.

"Đối với Dự án thành phần 2.2: xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Hưng Yên. Ngày 25/10, Sở GTVT đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình dự án. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần LIZEN. Đến nay, dự án thành phần 2.2 đã đủ điều kiện khởi công theo quy định", ông Hải cho biết.

Hưng Yên: Khởi công gói thầu 1.500 tỷ Dự án đường song hành thuộc tuyến Vành đai 4 - Ảnh 3.

Ông Bùi Dương Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP LIZEN cho rằng tham gia xây dựng công trình giao thông là tạo phúc cho xã hội và cũng là tạo phúc cho chính công ty.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Dương Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP LIZEN cho biết: LIZEN có lịch sử phát triển đã 23 năm. Giai đoạn hiện tại Công ty đang tập trung phát triển vào 3 lĩnh vực hạ tầng giao thông và xây dựng dân dụng công nghiệp, năng lượng tái tạo và bất động sản. Trong mỗi lĩnh vực hoạt động của mình, LIZEN đều tạo dựng uy tín với đối tác, để lại những dấu ấn tích cực đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng địa phương, cho xã hội và cho sự phát triển kinh tế nước nhà. Riêng lĩnh vực xây dựng giao thông LIZEN đã có trên 10 năm kinh nghiệm.

"Chúng tôi luôn tâm niệm, tham gia xây dựng hạ tầng giao thông là tạo phúc cho xã hội và cũng chính là tạo phúc cho công ty, cho tập thể người lao động của công ty. Vì lý do đó mà trong quá trình hoạt động, LIZEN luôn đầu tư và nâng tầm phát triển, cũng như quyết tâm khi thực hiện các dự án mà công ty thi công. 

Có thể kể đến một số dự án như: Dự án nâng cấp QL1A và xây mới Cầu Thạch Hãn năm 2013; Dự án phần đường Formosa Hà Tĩnh; Dự án đường đua công thức F1 tại Hà Nội năm 2019. Những năm gần đây, LIZEN đã khẳng định "tên tuổi" qua việc thi công các dự án cao tốc như: cao tốc Hạ Long – Vân Đồn (2015-2018), cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (2017-2019), cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên (2021-2022), cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn. 

Hiện nay, những nỗ lực của LIZEN đã được ghi nhận khi chúng tôi được chỉ định thầu với vị trí đứng đầu liên danh trong các Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Biên Hòa - VũngTàu giai đoạn 1...", ông Hùng chia sẻ.

Hưng Yên: Khởi công gói thầu 1.500 tỷ Dự án đường song hành thuộc tuyến Vành đai 4 - Ảnh 4.

Ngay sau lễ khởi công, nhà thầu LIZEN đã đưa máy móc, thiết bị ra công trường làm việc ngay.

"Đối với Dự án đường song hành ở Hưng Yên, chúng tôi khẳng định với kinh nghiệm chuyên môn, sự quyết tâm cao nhất sẽ hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả", ông Hùng nhấn mạnh.

Đánh giá cao năng lực của nhà thầu LIZEN, cũng như sự đồng lòng ủng hộ trong công tác GPMB của chính quyền và nhân dân các địa phương, ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tin tưởng: Dự án sẽ về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh cho địa phương.

Ông Văn cũng yêu cầu các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại. Đảm bảo hoàn thành tiến độ mà Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao.

Sưu tầm

Năm nút giao trọng điểm ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ vừa được thành phố duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.196 tỷ đồng, từ ngân sách Nhà nước.

Ngày 23/11, nguồn tin của PV Báo Giao thông cho biết, UBND thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Theo đó, thành phố giao cho UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư dự án mở rộng, xây dựng các nút giao trong phạm vi dự án, đáp ứng yêu cầu lưu lượng giao thông hiện tại và tương lai. Đồng thời, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn.

Gần 1.200 tỷ đồng mở rộng 5 nút giao trọng điểm ở trung tâm Cần Thơ - Ảnh 1.

Nút giao số 1: Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo, một trong hai nút giao sẽ được ưu tiên cải tạo trước.

Dự án được kỳ vọng góp phần cải tạo mỹ quan đô thị, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ trong khu vực. Đồng thời từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông và hạ tầng kỹ thuật của thành phố theo quy hoạch, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Dự án sẽ được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một sẽ mở rộng nút giao cùng mức, điều khiển bằng đèn tín hiệu, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập.

Cụ thể, giai đoạn này sẽ đầu tư các hạng mục: Cải tạo, mở rộng 5 nút giao, vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước mưa, cấp nước phòng cháy chữa cháy, tín hiệu giao thông.

Giai đoạn hai, trong tương lai xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông.

Gần 1.200 tỷ đồng mở rộng 5 nút giao trọng điểm ở trung tâm Cần Thơ - Ảnh 2.

Nút giao số 4: Nguyễn Văn Linh - 3/2.

Năm nút giao thông này gồm, nút 1: Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo; nút 2: Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt; nút 3: Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ; nút 4: Nguyễn Văn Linh - 3/2 và nút 5: Nguyễn Văn Linh - 30/4.

Dự án 5 nút giao là công trình giao thông cấp III, tốc độ thiết kế 50km/h, các nhánh rẽ phải có tốc độ 30-40km/h, rẽ trái 20km/h.

Trong gần 1.200 tỷ đồng đầu tư dự án, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lên đến hơn 963,5 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 180 tỷ đồng và các chi phí khác.

Dự án được phân kỳ để đầu tư và thực hiện không quá bốn năm. Trong đó, trong năm 2023-2024, quận Ninh Kiều ưu tiên thực hiện hai nút giao có lưu lượng giao thông cao, thường xuyên ùn tắc là nút 1: Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo và nút giao 4: Nguyễn Văn Linh - 3/2.

Trong năm 2025, sẽ triển khai các nội dung tiếp theo đúng quy định, khi cần thiết thì trình điều chỉnh dự án cho phù hợp.

Sưu tầm

Hình ảnh

Joomla Templates and Joomla Extensions by ZooTemplate.Com

Giới thiệu

Công ty Cổ phần Nhựa đường Thiết bị Giao thông – tên giao dịch quốc tế : Bitumen Equipment Supply for Transportation  (BEST). Được thành lập từ năm 2009, trải qua quá trình phát triển, BEST đã đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất và xây dựng chiến lược kinh doanh để trở thành một trong số các nhà cung ứng nhựa đường hàng đầu tại Việt Nam.

Xem tiếp...

Tin nội bộ