Hơn 900km đường bộ cao tốc đang chờ cân đối nguồn vốn đầu tư, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu cả nước có 5.000km cao tốc vào năm 2030.
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông về kết quả đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc để đạt được mục tiêu cả nước có 3.000km cao tốc vào năm 2023 và 5.000km cao tốc vào năm 2030 được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ có khoảng hơn 1.200km cao tốc được khởi công nhằm tạo sự đột phá về hạ tầng giao thông, thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra (Ảnh minh họa).
Theo Bộ GTVT, sau gần 20 năm kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam (TP.HCM - Trung Lương) được khởi công, tính đến nay, khoảng 1.729km đã được hoàn thành, đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2021-2025, có khoảng 1.071km đang thi công xây dựng và hoàn thành.
Hiện tại, cơ quan có thẩm quyền cũng đã quyết định chủ trương đầu tư, bố trí đủ vốn thực hiện, dự kiến khởi công giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.258km.
Trong đó, khoảng 344km sẽ hoàn thành trong năm 2025. Khoảng 928km chờ cân đối nguồn vốn đầu tư gồm: Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Ninh Bình - Hải Phòng, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát, Vành đai 4 TP.HCM...
Một số tuyến giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức PPP đang tích cực triển khai.
“Riêng đối với tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, nhà đầu tư đã đề xuất trình UBND tỉnh Bình Phước hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với quy mô phân kỳ 4 làn xe hoàn chỉnh, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 29.878 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia khoảng gần 15.000 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư).
Về nguồn vốn hỗ trợ dự án, Phó thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước thống nhất phương án tài chính, xác định rõ cơ cấu các nguồn vốn; Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương theo quy định”, Bộ GTVT thông tin.
Xác định việc đảm bảo triển khai thành công mục tiêu Đại hội Đảng và lộ trình Chính phủ đề ra là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, theo Bộ GTVT, thời gian qua, nhiều giải pháp lớn đã được các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện như: Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, từ các doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công - tư; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp; Triển khai mạnh mẽ phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn, những cơ chế, chính sách, thể chế có tính chất đột phá về phân cấp phân quyền, huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng cũng được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung...
Sưu tầm