Hơn 900km đường bộ cao tốc đang chờ cân đối nguồn vốn đầu tư, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu cả nước có 5.000km cao tốc vào năm 2030.
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông về kết quả đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc để đạt được mục tiêu cả nước có 3.000km cao tốc vào năm 2023 và 5.000km cao tốc vào năm 2030 được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ có khoảng hơn 1.200km cao tốc được khởi công nhằm tạo sự đột phá về hạ tầng giao thông, thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra (Ảnh minh họa).
Theo Bộ GTVT, sau gần 20 năm kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam (TP.HCM - Trung Lương) được khởi công, tính đến nay, khoảng 1.729km đã được hoàn thành, đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2021-2025, có khoảng 1.071km đang thi công xây dựng và hoàn thành.
Hiện tại, cơ quan có thẩm quyền cũng đã quyết định chủ trương đầu tư, bố trí đủ vốn thực hiện, dự kiến khởi công giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.258km.
Trong đó, khoảng 344km sẽ hoàn thành trong năm 2025. Khoảng 928km chờ cân đối nguồn vốn đầu tư gồm: Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Ninh Bình - Hải Phòng, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát, Vành đai 4 TP.HCM...
Một số tuyến giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức PPP đang tích cực triển khai.
“Riêng đối với tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, nhà đầu tư đã đề xuất trình UBND tỉnh Bình Phước hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với quy mô phân kỳ 4 làn xe hoàn chỉnh, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 29.878 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia khoảng gần 15.000 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư).
Về nguồn vốn hỗ trợ dự án, Phó thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước thống nhất phương án tài chính, xác định rõ cơ cấu các nguồn vốn; Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương theo quy định”, Bộ GTVT thông tin.
Xác định việc đảm bảo triển khai thành công mục tiêu Đại hội Đảng và lộ trình Chính phủ đề ra là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, theo Bộ GTVT, thời gian qua, nhiều giải pháp lớn đã được các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện như: Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, từ các doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công - tư; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp; Triển khai mạnh mẽ phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn, những cơ chế, chính sách, thể chế có tính chất đột phá về phân cấp phân quyền, huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng cũng được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung...
Sưu tầm
Tổng mức đầu tư dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc được đề xuất tăng hơn 700 tỷ đồng do phát sinh chi phí GPMB và một số chi phí khác.
Hơn 6.000 tỷ đồng tăng kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ.
Tổng mức đầu tư dự án kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc được đề xuất tăng lên hơn 6.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa).
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh tăng hơn 700 tỷ đồng, từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn đối ứng được điều chỉnh tăng từ hơn 988 tỷ đồng lên hơn 1.643 tỷ đồng; Vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc tăng từ hơn 101 tỷ đồng lên hơn 153 tỷ đồng.
Đối với phần vốn tăng thêm, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có mức tăng cao nhất, từ gần 312 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng (hơn 708 tỷ đồng); Tiếp đến là phần tăng của chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (gần 52 tỷ đồng). Chi phí dự phòng được điều chỉnh giảm hơn 53 tỷ đồng.
Chênh lệch lớn khối lượng GPMB do địa hình miền núi phức tạp
Lý giải về nguyên nhân tăng chi phí GPMB, Bộ GTVT cho biết, để hỗ trợ công tác chuẩn bị dự án, ADB đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ GTVT để chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi trình ADB và phía Việt Nam phê duyệt, làm cơ sở đàm phán, ký kết hiệp định vay cho dự án khoảng 1,8 triệu USD.
Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật do ADB lựa chọn đã thiết kế tuyến đường cơ bản bám theo tim tuyến đường cũ, tim tuyến được xác định trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000, không tiến hành đo đạc bình đồ và trắc ngang chi tiết.
Theo số liệu kết quả khảo sát của tư vấn hỗ trợ kỹ thuật vào giai đoạn đầu năm 2018, khối lượng đền bù bao gồm: Diện tích đất cần thu hồi gần 74ha; Có 957 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 30 hộ gia đình sẽ phải di dời, tự tái định cư trong các khu tái định cư có sẵn của địa phương.
Tư vấn đã tính toán, xác định kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án là khoảng 362 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng và trượt giá).
Để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi (do Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật của ADB thực hiện) cho phù hợp với quy định của Việt Nam, Bộ GTVT đã bố trí vốn đối ứng 23,5 tỷ đồng để thuê tư vấn trong nước thực hiện.
Số liệu về khối lượng GPMB đã được tư vấn trong nước sử dụng nguyên số liệu của tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng tổng mức đầu tư của dự án với kinh phí GPMB là gần 312 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng và trượt giá).
Do giai đoạn lập dự án đầu tư (thiết kế cơ sở), tư vấn trong nước đã tận dụng hoàn toàn số liệu GPMB của Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật mà không thực hiện rà soát, chuẩn xác lại số liệu.
Tại thời điểm hoàn thiện báo cáo khả thi, việc chuẩn bị dự án cần khẩn trương thực hiện để đảm bảo thời gian ký được hiệp định vay vốn ADF (vốn ODA cuối cùng) của ADB trước ngày 31/12/2018 nhằm tận dụng nguồn vốn vay rẻ ADF của ADB trước khi Việt Nam tốt nghiệp ADF vào ngày 1/1/2019.
Do đó, việc tận dụng lại số liệu về GPMB của tư vấn hỗ trợ kỹ thuật (khảo sát, ước tính sơ bộ) để đưa vào hồ sơ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi không lường trước được sự phức tạp của địa hình miền núi nên đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật có sự chênh lệch lớn khối lượng GPMB và tăng kinh phí GPMB.
Được biết, hiện tại, Bộ GTVT cân đối vốn đối ứng hơn 655 tỷ đồng để bổ sung cho chi phí GPMB từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT.
"Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Úc tài trợ nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Quy mô của dự án gồm 2 tuyến gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.
Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024."
Sưu tầm
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ được đầu tư với quy mô 2 làn xe, dự kiến khởi công trong năm 2023.
Bộ GTVT vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Tuyến Chơn Thành - Đức Hòa được đầu tư nhằm từng bước nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), góp phần chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam Bộ. (Ảnh minh họa)
Theo đó, dự án có tổng chiều dài gần 73km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với quốc lộ 22 đã được đầu tư).
Điểm đầu dự án tại Km 10+00 tại xã Trừ Văn Thố thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Điểm cuối khoảng Km 82+750 giao với quốc lộ N2 (nay là đường Hồ Chí Minh) thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường hơn 12m; bề rộng mặt đường hơn 11m. Giai đoạn hoàn chỉnh dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường hơn 32m.
Riêng công trình cầu, trên tuyến sẽ được đầu tư xây dựng 14 công trình cầu. Trong đó, 11 cầu tiếp tục thi công hoàn thiện và 3 cầu xây dựng mới (Trảng Bàng, An Hòa, Rạch Nhum).
Tổng mức đầu tư dự án là gần 2.300 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đã bao gồm dự phòng) là hơn 264 tỷ đồng; Chi phí xây dựng hơn 1.667 tỷ đồng; Chi phí QLDA, tư vấn, chi phí khác khoảng hơn 125 tỷ đồng; Chi phí dự phòng là gần 236 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2023 và hoàn thành năm 2025.
Sưu tầm
Ba đoạn tuyến của đường Hồ Chí Minh và hai dự án giao thông đường bộ lớn dự kiến được khởi công vào cuối năm 2023.
Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT chiều nay (10/7), ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư/ban QLDA đang tích cực hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới.
Theo kế hoạch dự kiến, 5 dự án đường bộ sẽ được khởi công vào cuối năm 2023 (Ảnh minh họa).
Trong đó, 5 dự án sẽ phấn đấu khởi công vào cuối năm 2023, gồm: đường Hồ Chí Minh các đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (28,5km); Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (55km); Chơn Thành - Đức Hòa (gần 73km); Cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (hơn 11km); Cầu Đại Ngãi.
Chia sẻ thêm về công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, theo ông Dũng, trong 6 tháng đầu năm, với tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cao đã nỗ lực vượt khó, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các nhà thầu, nhiều dự án quan trọng đã kịp thời được đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu.
Cụ thể, về đường bộ có các dự án như cao tốc Bắc - Nam các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm.
Về đường sắt, hai dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM là dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác.
Ở lĩnh vực đường thủy nội địa, dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã hoàn thành.
Bên cạnh các dự án được đưa vào khai thác, ba dự án lĩnh vực đường sắt thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được khởi công, gồm: 2 dự án trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (đoạn Hà Nội - Vinh, đoạn Vinh - Nha Trang) và dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc.
Dự án nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) đang được chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục khởi công vào quý IV/2023.
Hàng loạt các dự án quan trọng khác như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải, dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn... cũng đang được Bộ GTVT đôn đốc các chủ đầu tư/ban QLDA rốt ráo triển khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.
“Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Bộ GTVT đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu phục vụ cho các dự án.
Bộ GTVT cũng tiếp thu, giải quyết ngay những vướng mắc, kiến nghị của địa phương; Phối hợp, hỗ trợ các tỉnh/thành phố được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các dự án đường Vành đai hoàn thành hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư và tiến hành khởi công trong tháng 6/2023 theo đúng chỉ đạo”, ông Dũng thông tin.
Sưu tầm
Công ty Cổ phần Nhựa đường Thiết bị Giao thông – tên giao dịch quốc tế : Bitumen Equipment Supply for Transportation (BEST). Được thành lập từ năm 2009, trải qua quá trình phát triển, BEST đã đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất và xây dựng chiến lược kinh doanh để trở thành một trong số các nhà cung ứng nhựa đường hàng đầu tại Việt Nam.