Print this page

CHÍNH THỨC KÉO DÀI TUYẾN METRO SỐ 1 ĐẾN ĐỒNG NAI VÀ BÌNH DƯƠNG

   Theo đề xuất của liên danh tư vấn Nippon Koei - Tokyu (Nhật Bản), UBND TP HCM đã chấp thuận phương án kết nối tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ ga Suối Tiên đến TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

   Phương án này đã được sự chấp thuận của UBND tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương cũng như phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

   Tuyến đường sắt đô thị từ ga Suối Tiên đến tỉnh Đồng Nai và Bình Dương nằm hoàn toàn trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Do đó, khi được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

   Đồng thời, thu hút thêm lượng hành khách vận chuyển trên tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, thúc đẩy phát triển đô thị dọc tuyến và góp phần làm giảm tình trạng giao thông quá tải tại các trục đường phía Đông Bắc của TP.HCM.

       

Sơ đồ tuyến metro số 1

    Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho kéo dài tuyến metro số 1 từ Suối Tiên đến ngã tư Vũng Tàu, dài khoảng 4,7 km.

    UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc tiếp tục đầu tư đoạn tuyến metro này là rất cấp bách để giải quyết dứt điểm ùn tắc tại nút giao ngã tư Vũng Tàu đến Suối Tiên. Quỹ đất để bố trí tuyến metro và nhà ga đã được tỉnh bố trí sẵn nên khối lượng giải phóng mặt bằng không lớn, thuận tiện cho việc triển khai dự án.

   Trong khi đó, tỉnh Bình Dương cũng đã đề nghị kéo dài tuyến metro số 1 từ Suối Tiên đến phường Bình Thắng, huyện Dĩ An dài khoảng 1,8 km.

    Về chi phí xây dựng, theo tính toán sơ bộ của nhóm nghiên cứu Nhật Bản, tổng chi phí để kéo dài metro từ TP.HCM về Bình Dương và Đồng Nai là khoảng 21.234 tỉ đồng.

    Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên dài 19,7km, có tổng vốn 2,49 tỉ USD được khởi công tháng 8/2012. Metro này đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức của TP.HCM và huyện Dĩ An của Bình Dương.

    Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Trong đó 2,6 km đi ngầm với 3 nhà ga và hơn 17 km trên cao với 11 nhà ga. Tuy nhiên, dự án này đang đứng trước nguy cơ bị trễ tiến độ vì thiếu vốn.

Sưu tầm(HLĐ)